Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Có thể bị phạt tiền và cấm kinh doanh

Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp: Có thể bị phạt tiền và cấm kinh doanh

30/11/2020


XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP:
CÓ THỂ BỊ PHẠT TIỀN VÀ CẤM KINH DOANH

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

Thưa ông, như thế nào thì gọi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi kinh doanh?

Với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo ông, làm cách nào để doanh nghiệp có thể bảo vệ được quyền về tài sản trí tuệ cùng như tránh được việc vi phạm nhãn hiệu?

Thưa ông, như thế nào thì gọi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp khi kinh doanh?

- Theo khoản 2, Điều 3, Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005, sửa đổi năm 2009) - Sau đây gọi là Luật SHTT) thì đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý. Vì thế, căn cứ Điều 126, Luật SHTT thì các hành vi sau được xem là hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

- Sử dụng sáng chế được bảo hộ, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó, thiết kế bố trí được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó trong thời hạn hiệu lực cua văn bằng bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu; sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời.

- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật kinh doanh đó. Người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh bao gồm chủ sở hữu bí mật kinh doanh, người được chuyển giao hợp pháp quyền sử dụng bí mật kinh doanh, người quản lý bí mật kinh doanh.

- Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.

- Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh...

 Căn cứ khoản 1, Điều 129, Luật SHTT thì các hành vi sau đây được xem là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:

- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

- Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

- Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ...

 Căn cứ Khoản 2, Điều 129, Luật SHTT thì những hành vi sau đây được xem là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại:

- Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

 Căn cứ khoản 3, Điều 129, Luật SHTT thì các hành vi sau đây được xem là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ:

- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

- Sử dụng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm mục đích lợi dụng danh tiếng, uy tín của chỉ dẫn địa lý...

Với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?

Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

- Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì tùy tính chất, mức độ của hành vi để xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Điều 211, Luật SHTT quy định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với các hành vi được liệt kê ở Điều 211, Luật SHTT thì tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị buộc phải chấm dứt xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

 Và tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng một hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả.

 Về truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 226 Bộ Luật Hình sự (năm 2015, sửa đổi năm 2017) quy định về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu - 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Đối với pháp nhân thì có thể bị phạt tiền từ 100-500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1-3 năm.

Theo ông, làm cách nào để doanh nghiệp có thể bảo vệ được quyền về tài sản trí tuệ cùng như tránh được việc vi phạm nhãn hiệu?

- Bảo vệ nhãn hiệu là việc doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm. Việc đăng ký bảo hộ thành công đối với nhãn hiệu sẽ tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực thi các quyền pháp lý liên quan đến việc sở hữu nhãn hiệu trên thị trường. Và việc đăng ký bảo hộ không chỉ dừng lại ở thị trường Việt Nam mà nên xem xét để đăng ký ở nước ngoài. Bởi vì, thực tế cho thấy không ít nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam, đã được đăng ký tại Việt Nam, được sử dụng và biết đến rộng rãi, có uy tín ở Việt Nam nhưng vì một lý do nào đó lại chưa đăng ký tại nước ngoài nên bị bắt chước tại các thị trường nước ngoài.

 Theo quy định tại Khoản 20, Điều 4. Luật SHTT quy định về nhãn hiệu nổi tiếng như sau: "Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam", do đó nếu nhãn hiệu đã đăng ký bản quyền  là thương hiệu nổi tiếng, đã có từ lâu đời, được rất nhiều người Việt Nam biết đến và đã được bảo hộ thì hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng đó, cụ thể có sử dụng từ ngữ, màu sắc, logo gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ, đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Nên để bảo vệ quyền của mình thì doanh nghiệp cần nhớ đến cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác định tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xem thêm:
Tư vấn về 3 loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay.
Có nên thành lập thành lập doanh nghiệp tư nhân?
Nên thành lập công ty cổ phần hay công ty TNHH 2 thành viên?
Một số lưu ý khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

   Nếu còn điều gì còn thắc mắc hay cần hỗ trợ, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline 1800 6365 để chuyên viên kịp thời tư vấn, giải quyết vấn đề pháp lý.