XÁC ĐỊNH TUỔI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Ảnh minh hoạ
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
Quy định của pháp luật Việt Nam.
Về căn cứ xác định tuổi.
Về thời điểm tính tuổi.
Việc xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) là vấn đề rất quan trọng trong pháp luật hình sự của mỗi quốc gia. Bởi nó thể hiện quan điểm của Nhà nước về việc xử lý tội phạm đảm bảo an toàn trật tự xã hội đồng thời bảo vệ quyền con người, đặc biệt là đối với người chưa thành niên phạm tội. Tuổi chịu TNHS được quy định tại Điều 12 BLHS.
- Để quy định độ tuổi chịu TNHS, ở Việt Nam các nhà lập pháp dựa vào bốn tiêu chí như sau:
- Căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý, thể chất và khả năng nhận thức của lứa tuổi chưa thành niên.
- Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và chính sách, đường lối xử lý tội phạm do người chưa thành niên thực hiện.
- Căn cứ trên cơ sở tổng kết thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm do người chưa thành niên thực hiện ở nước ta nói riêng. Trong đó, căn cứ vào mức độ nguy hiểm của tội phạm và tính phổ biến của những loại tội phạm mà người chưa thành niên thực hiện trong những thời điểm cụ thể.
- Căn cứ vào việc tham khảo các quy định về độ tuổi chịu TNHS của các nước trên thế giới[6].
- BLHS 1985 quy định người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS đối với những tội có khung hình phạt trên 05 năm tù nhưng phải với lỗi cố ý (khoản 1 Điều 58) và người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm (khoản 2 Điều 58). Đến BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) vì có sự phân chia tội phạm ra thành 4 loại nên quy định độ tuổi chịu TNHS cũng có sự phân hóa như sau: Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm (khoản 1 Điều 12). Tuy nhiên, có hai tội trong BLHS 1999 quy định chủ thể phải là người đã thành niên, nghĩa là phải đủ 18 tuổi chứ không phải đủ 16 tuổi như quy định, đó là: Tội giao cấu với trẻ em (Điều 115) và tội dâm ô đối với trẻ em (Điều 116). Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khoản 2 Điều 12). Như vậy, người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải chịu TNHS về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng và tội rất nghiêm trọng do lỗi vô ý, mà chỉ chịu TNHS về tội rất nghiêm trọng do lỗi cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng (cả lỗi cố ý và vô ý).
- Kế thừa đồng thời khắc phục những hạn chế của BLHS 1999, BLHS 2015 chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS, theo đó, các em chỉ phải chịu TNHS về việc thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng ở 28 tội danh trong số 314 tội danh thuộc 04 nhóm tội phạm, bao gồm: Tội giết người (Điều 123); tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134); tội hiếp dâm (Điều 141); tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142); tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144); tội cướp tài sản (Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) và 22 tội danh rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng tùy theo từng khoản (nghĩa là trong tội danh đó sẽ có khoản có khung hình phạt cao nhất phải từ trên 07 năm tù trở lên), bao gồm: các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS 2015.
- BLHS 2015 đã có sự thay đổi tiến bộ hơn so với BLHS 1999, BLHS 1999 chỉ xem xét TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, BLHS 2015 đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét TNHS của người từ đủ 14 tuổi dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Việc quy định độ tuổi theo BLHS hiện hành là hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó, việc quy định độ tuổi như vậy cũng thể hiện chính sách hướng thiện đối với trẻ em theo hướng bảo đảm lợi ích tốt nhất cho các em trên tinh thần bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, đồng thời, góp phần nâng cao tính minh bạch của BLHS, qua đó nâng cao tính giáo dục, phòng ngừa tội phạm đối với các em ở độ tuổi này.
- Ngoài ra, BLHS 2015 cũng sửa đổi phạm vi chịu trách nhiệm của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội theo hướng thu hẹp hơn. Theo quy định của BLHS năm 1999, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS về việc chuẩn bị phạm tội nếu tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện là tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc mọi tội danh; nay theo BLHS 2015, họ chỉ phải chịu TNHS nếu chuẩn bị phạm tội thuộc một trong hai tội danh đó là: Giết người (Điều 123) và cướp tài sản (Điều 168).
- Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu TNHS về mọi tội phạm. Thực tiễn cho thấy, những người đủ 16 tuổi là lứa tuổi phổ biến nhất có những hành vi nguy hiểm cho xã hội. Họ thực hiện hành vi phạm tội một cách độc lập, tự chủ và tự quyết. Vì vậy, theo quy định của BLHS 2015 về độ tuổi chịu TNHS thì người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ chịu TNHS đối với mọi loại tội phạm, ngoại trừ các loại tội phạm mà yêu cầu về chủ thể để cấu thành tội phạm là người từ đủ 18 tuổi trở lên.
Xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
- Về căn cứ xác định tuổi: Tuổi của một người được xác định từ thời điểm người đó được sinh ra. Căn cứ vào các loại giấy tờ có giá trị pháp lý gắn với nhân thân của người đó (như giấy chứng sinh, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, các loại văn bằng,…) mà các cơ quan tư pháp xác định độ tuổi của một người. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp không thu thập được, hoặc không xác nhận được cơ sở pháp lý của các loại giấy tờ, thì các cơ quan tư pháp sẽ phải xác định ngày sinh của người phạm tội theo nguyên tắc có lợi cho họ. Theo khoản 2 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã áp dụng mọi biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của người bị buộc tội, người bị hại được xác định trong 5 trường hợp như sau:
- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Như vậy, theo quy định thì cách xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo, có nghĩa là trong trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp mà vẫn không xác định được chính xác ngày, tháng sinh của người bị buộc tội, người bị hại thì lấy ngày cuối cùng của tháng, của quý, của năm đó để làm ngày tháng sinh. Cách xác định độ tuổi của người bị buộc tội và người bị hại là như nhau. Quy định như vậy đã bảo đảm được sự công bằng giữa người bị buộc tội với người bị hại theo nguyên tắc cơ bản của BLTTHS là “bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật”. Tuy nhiên, nếu xác định tuổi của người bị hại nhằm truy cứu TNHS và xác định mức độ TNHS đối với người bị buộc tội theo quy định như trên thì sẽ gây bất lợi cho người bị buộc tội vì trong một số trường hợp, tuổi của người bị hại là căn cứ cho việc quyết định bị cáo có phạm tội hay không phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc phân biệt các tội danh với nhau hoặc có ý nghĩa định khung hình phạt, quyết định hình phạt.
- Về thời điểm tính tuổi: Ngày xác định độ tuổi của người phạm tội được tính ngay khi thực hiện hành vi phạm tội, bởi về nguyên tắc xác định năng lực của chủ thể là xác định vào thời điểm thực hiện hành vi. Vì vậy, tuổi được xác định vào thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tức là, hành vi phạm tội đã xảy ra vào thời điểm nào thì sẽ xác nhận độ tuổi của người phạm tội ở thời điểm đó. Trong trường hợp hành vi phạm tội kéo dài và liên tục, có nhiều hành vi được thực hiện ở các thời điểm khác nhau, khi xác định độ tuổi thực hiện hành vi phạm tội có thể gặp trường hợp có hành vi thực hiện khi chưa đủ tuổi, có hành vi thực hiện khi đã đủ tuổi. Trong trường hợp này, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ lấy độ tuổi ở hành vi cuối để xem xét TNHS của họ. Có nhiều trường hợp khi xác định độ tuổi của người phạm tội có tính chất “giáp ranh” thì các cơ quan tư pháp cần tách các hành vi ở từng độ tuổi để xem xét và sẽ tính tuổi theo hướng có lợi hơn cho người phạm tội./.
➤ Xem thêm:
➤ Tuổi chịu trách nhiệm hình sự và chủ thể đặc biệt của tội phạm.
➤ Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?.
➤ Chế định miễn trách nhiệm hình sự.
➤ Án phí trong vụ án hình sự.
- Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.