Hình 1. Xác định cha, mẹ cho con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để can thiệp vào quá trình thụ thai của người phụ nữ. Khác với phương pháp sinh con tự nhiên, việc xác định cha, mẹ cho con trong trường này có một số điểm khác biệt theo quy định pháp luật.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là gì?
2. Những trường hợp được sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
2.1. Đối với cặp vợ chồng vô sinh.
2.2. Đối với phụ nữ độc thân.
3. Xác định cha, mẹ cho con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
3.1. Đối với cặp vợ chồng vô sinh.
3.2. Đối với phụ nữ độc thân.
3.3. Đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi.
- Hiện nay, khái niệm sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được ghi nhận tại khoản 21 Điều 3 Luật HNGĐ 2014. Cụ thể, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Như vậy, trong trường hợp này việc thụ thai sẽ không cần đến quá trình sinh hoạt sinh lý bình thường mà có thể diễn ra bất kỳ lúc nào.
- Thụ tinh nhân tạo tức là gì? Đây được hiểu là thủ thuật bơm tinh trùng của người chồng hoặc người cho tinh trùng vào tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi.
- Theo Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP thì thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi, theo đó tinh trùng là giao tử của nam, noãn là giao tử của nữ, phôi là sản phẩm của quá trình kết hợp giữa noãn và tinh trùng.
- Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chỉ được thực hiện trong những trường hợp luật định. Pháp luật hiện hành cho phép sinh con bằng phương pháp kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong hai trường hợp: Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân.
- Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP thì cặp vợ chồng vô sinh có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa với một số lưu ý như sau:
- Một là, như thế nào là “vô sinh”? Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, vô sinh được hiểu là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 - 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không có thai. Điều này có nghĩa là phải có thời gian chung sống trong hôn nhân ít nhất là một năm mà người vợ không mang thai thì mới được sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Hai là, người chồng hoặc người vợ trong những cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh có quyền gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi trong cơ sở lưu giữ, nếu người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi chết thì vợ hoặc chồng của người đó có quyền đề nghị lưu giữ, bảo quản tinh trùng, noãn, phôi theo Điều 21 Nghị định 10/2015/NĐ-CP.
- Ba là, trong trường hợp ly hôn thì khoản 3 Điều 21 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định: người gửi đề nghị hủy tinh trùng, noãn của chính mình thì phải hủy tinh trùng, noãn của người đó; riêng đối với phôi, nếu muốn hủy thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai vợ chồng, nếu muốn tiếp tục lưu giữ thì phải có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản.
- Bốn là, Điều 5 Nghị định 21/2015/NĐ-CP quy định người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh được quyền:
- Nhận tinh trùng nếu nguyên nhân vô sinh là do người chồng;
- Nhận noãn nếu nguyên nhân vô sinh là do người vợ không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai;
- Nhận phôi nếu nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng hoặc vợ chồng đã thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm nhưng bị thất bại.
- Theo quy định, phụ nữ độc thân cũng có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Căn cứ khoản 6 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP phụ nữ độc thân là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật. Hay nói cách khác, tại thời điểm đó, người phụ nữ không kết hôn với bất kỳ ai.
- Bên cạnh đó, Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP cho phép người phụ nữ độc thân được quyền:
- Nhận tinh trùng từ người hiến tinh trùng khi họ có nhu cầu sinh con và noãn của họ đảm bảo chất lượng để thụ thai;
- Nhận phôi nếu họ không có noãn hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai.
- Việc xác định cha, mẹ cho con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được điều chỉnh bởi pháp luật hôn nhân và gia đình.
Hình 2. Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
- Căn cứ Điều 88 và Điều 93 Luật HNGĐ thì nếu người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ cho con như sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng;
- Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Thời điểm chấm dứt hôn nhân là thời điểm bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hoặc là thời điểm vợ hoặc chồng chết.
- Điều này có nghĩa là người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh được xác là mẹ đứa trẻ trong mọi trường hợp kể cả người mẹ là người nhận tinh trùng, nhận noãn hay nhận phôi của người khác và người chồng hợp pháp của người mẹ đó cũng chính là cha đứa trẻ, ngay cả trường hợp người chồng không phải là người cho tinh trùng.
- Cần phải lưu ý rằng nếu con sinh ra trước ngày vợ, chồng đăng ký kết hôn và được vợ chồng thừa nhận là con chung sẽ không được áp dụng đối với trường hợp con sinh ra bằng hỗ trợ kỹ thuật sinh sản.
- Tóm lại, đối với cặp vợ, chồng vô sinh sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì căn cứ xác định cha, mẹ, con được xác định trên căn cứ vào thời kỳ hôn nhân của cặp vợ chồng vô sinh. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
- Phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con được quyền nhận tinh trùng nếu noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai. Nếu học không có noãn hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai thì được quyền nhận phôi.
- Theo quy định của pháp luật, nếu người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của con được sinh ra. Như vậy, người phụ nữ sống độc thân đương nhiên là mẹ của đứa trẻ kể cả trường hợp người phụ nữ đó không có noãn, hoặc phải xin phôi do noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai thì họ vẫn được xác định là mẹ của đứa con sinh ra.
- Theo Điều 93 Luật HNGĐ 2014, việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.
- Việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi được thực hiện trên nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận; tinh trùng, phôi của người cho phải được mã hóa để bảo đảm bí mật nhưng vẫn phải ghi rõ đặc điểm của người cho, đặc biệt là yếu tố chủng tộc.
- Tóm lại, các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời thực sự đã mang lại hạnh phúc lớn lao cho biết bao cặp vợ chồng. Bên cạnh đó, việc xác định cha, mẹ cho con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cũng mang những nét đặc trưng riêng. Do đó, chúng ta cần phải nắm rõ các quy định liên quan để hạn chế tranh chấp không đáng có, đảm bảo ổn định cho quan hệ cha, mẹ, con, và yên tâm nuôi dạy con trong điều kiện tốt nhất.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ Những điều cần biết về trước và sau khi kết hôn.
➤ Chồng có được quyền làm thủ tục ly hôn khi có con dưới 1 tuổi?
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về xác định cha, mẹ cho con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các hồ sơ, thủ tục kết hôn, ly hôn cũng như các vấn đề khác liên quan đến hôn nhân gia đình theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: Luật Thịnh Trí