Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì? Công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào?

Ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì? Công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào?

24/06/2022


ỦY QUYỀN CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT LÀ GÌ?
CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC HỢP ĐỒNG ỦY QUYỀN
CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NHƯ THẾ NÀO?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định về ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

2. Hợp đồng ủy quyền thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

3. Công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

  • Theo quy định của Luật Đất đai cho phép hộ gia đình, cá nhân có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất bảo đảm đúng theo quy định. Hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất phổ biến là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thay mặt, đại diện thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy, khi ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì để tránh rủi ro phát sinh sẽ có hợp đồng ủy quyền giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn về nội dung ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa).

1. Quy định về ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

  1. Đại diện theo ủy quyền:
  • Theo Điều 138 Bộ luật Dân sự quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:
  • Khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thì cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác.
  • Khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được xác lập, thực hiện bởi người từ đủ 18 tuổi trở lên.
  1. Ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
  • Hiện nay chưa có quy định cụ thể khái niệm ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tuy nhiên, từ quy định nêu trên ta có thể hiểu: Ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là việc một cá nhân hay pháp nhân thỏa thuận về việc đại diện, thay mặt cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong phạm vi và thời hạn nhất định. Việc thỏa thuận này có thể được xác lập thông qua hợp đồng ủy quyền.

Hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa).

2. Hợp đồng ủy quyền thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

  1. Hợp đồng ủy quyền:

Theo Điều 562 Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó, trách nhiệm của các bên như sau:

- Bên ủy quyền phải chi trả thù lao khi bên nhận ủy quyền thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền nếu giữa hai bên có sự thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

- Bên nhận ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.

Như vậy, hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận của hai bên, trong đó xác định rõ phạm vi công việc, thời hạn công việc và thù lao thực hiện công việc.

  1. Nội dung hợp đồng ủy quyền:
  • Đối với hợp đồng ủy quyền nói chung và hợp đồng ủy quyền thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì nội dung hợp đồng thể hiện rõ mục đích ủy quyền, phạm vi, thời hạn, thù lao, quyền và nghĩa vụ các bên. Sau đây là hướng dẫn cơ bản đối với nội dung hợp đồng ủy quyền:
  • Mục đích của hợp đồng: Căn cứ vào khả năng và nhu cầu của hai bên, bên ủy quyền thống nhất với bên nhận ủy quyền để bên nhận ủy quyền thay mặt, đại diện thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền.
  • Phạm vi ủy quyền: Xác định rõ công việc mà bên nhận ủy quyền thay mặt thực hiện cho bên ủy quyền. Ví dụ: Bên nhận ủy quyền thay mặt bên ủy quyền ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất,... Tuy nhiên, công việc mà bên nhận ủy quyền thực hiện không được vượt quá phạm vi ủy quyền đã thỏa thuận tại hợp đồng. Trường hợp vượt quá phạm vi ủy quyền thì bên ủy quyền sẽ không chịu bất kỳ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với các công việc phát sinh ngoài sự thỏa thuận ban đầu.
  • Thời hạn của hợp đồng ủy quyền: Trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, trường hợp hai bên không có sự thỏa thuận thì thời hạn ủy quyền chấm dứt sau khi hoàn thành công việc hoặc bên ủy quyền thông báo có bên nhận ủy quyền chấm dứt hợp đồng.
  • Thù lao, phương thức thanh toán hợp đồng ủy quyền: Trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên, tùy theo khối lượng công việc thực hiện mà giao kết số tiền tương ứng.
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên:
  • Về quyền của bên ủy quyền thực hiện theo Điều 568 Bộ luật Dân sự, về nghĩa vụ của bên ủy quyền thực hiện theo Điều 567 Bộ luật Dân sự.
  • Về quyền của bên nhận ủy quyền thực hiện theo Điều 566 Bộ luật Dân sự, về nghĩa vụ của bên nhận ủy quyền thực hiện theo Điều 565 Bộ luật Dân sự.

3. Công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

  1. Công chứng hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
  • Theo Điều 55 Luật Công chứng quy định về công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:
  • Công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra ký hồ sơ khi thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền, đồng thời giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền, giải thích rõ hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
  • Trong trường hợp bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền không cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì việc công chứng hợp đồng ủy quyền do bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nên họ cư trú thực hiện; bên nhận ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
  • Như vậy, khi công chứng hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đến tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục công chứng.
  1. Chứng thực hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
  • Theo Điều 35 Nghị định 23/2015/NĐ-CP hướng dẫn về người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch và người thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch phải có trách nhiệm như sau:
  • Về nội dung hợp đồng, giao dịch; tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; tính hợp lệ, hợp pháp của các giấy tờ liên quan đến hợp đồng, giao dịch thì người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch phải chịu trách nhiệm.
  • Về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; ý chí tự nguyện, năng lực hành vi dân sự, điểm chỉ hoặc chữ ký của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch thì người thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch phải chịu trách nhiệm. Trường hợp, hợp đồng, giao dịch có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội thì người thực hiện chứng thực có quyền từ chối chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Xem thêm:

Một số lưu ý khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Chuyển đổi quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam.
Những vấn đề liên quan khi xin cấp giấy chứng nhận chủ “quyền nhà đất”.
Có được hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng?

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất là gì? Công chứng, chứng thực hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thế nào? của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.