Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015

Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015

28/01/2022


TRÁCH NHIỆM VỀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
DO SÚC VẬT GÂY RA THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2015

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm, đặc điểm súc vật.

2. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

  Xuất phát từ thực tiễn, một số trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật hoặc người thứ ba không quản lý được súc vật hoặc do xuất phát từ bản tính tự nhiên của súc vật đã gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc tài sản của người khác. Theo đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật hoặc người thứ ba khi súc vật gây thiệt hại. Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 

Súc vật (ảnh minh họa)

1. Khái niệm, đặc điểm súc vật

  • Khái niệm về súc vật theo từ điển tiếng việt là vật nuôi trong nhà được thuần dưỡng, huấn luyện, được thuần hóa hoàn toàn hoặc thuần hóa một phần và sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, giải trí, thể thao, bầu bạn và các công việc khác.
  • Đặc điểm của súc vật là:
  • Đã được con người thuần dưỡng trở thành các vật nuôi ở trong nhà với mục đích phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của con người.
  • Ví dụ như: các loài động vật được nuôi như trâu, bò, lợn, dê,...để lấy thịt hoặc lấy sức kéo.
  • Đã được con người thuần dưỡng trở thành các vật nuôi ở trong nhà với mục đích về tinh thần.
    • Ví dụ như: các loài động vật như chim, chó, mèo được nuôi làm cảnh.
  • Được sống cùng với môi trường sống của con người, có sự tiếp xúc với con người hàng ngày, hàng giờ.
  • Gây thiệt hại nếu bị đe dọa;
  • Các hoạt động của súc vật bị kiểm soát bởi con người.

2. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại

  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tinh thần và trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất như sau:

(1) Thực hiện trách nhiệm chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường khoản tiền, xin lỗi, cải chính công khai cho người bị thiệt hại được xem là bồi thường thiệt hại về tinh thần.

(2) Thực hiện trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra bao gồm tổn thất về chi phí ngăn chặn, chi phí cứu chữa, chi phí mai táng, tài sản, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, thu nhập thực tế bị giảm sút được xem là bồi thường thiệt hại về vật chất

Các xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên các yếu tố sau đây:

- Có hành vi trái pháp luật;

- Có thiệt hại xảy ra trong thực tế;

- Do lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự;

- Có mối quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra;

(3) Mức bồi thường thiệt hại: theo thỏa thuận giữa các bên; hình thức bồi thường bằng tiền, hiện vật, thực hiện một công việc; phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

 Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (ảnh minh họa)

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

 (1) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu và người chiếm hữu hợp pháp súc vật theo khoản 1 Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 hướng dẫn như sau:

- Khi súc vật gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường thiệt hại.

- Trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật mà súc vật đó gây thiệt hại cho người khác thì phải người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

Một số lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có thể xuất phát từ nhiều hành vi khác nhau gây thiệt hại cho người khác như:

-Hành vi chăn thả súc vật ở những nơi cấm chăn thả gia súc như là: đường phố, công viên, khu công nghiệp, khu dân cư, trường học, ...

-Hành vi không áp dụng kỹ thuật các biện pháp quản lý, cầm giữ súc vật.

-Hành vi có áp dụng nhưng áp dụng không tốt, không đúng kỹ thuật các biện pháp quản lý, cầm giữ súc vật.

-Hành vi chủ sở hữu súc vật chuyển giao quyền chiếm hữu, quản lý, sử dụng súc vật cho người khác không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

-Hành vi cố ý sử dụng súc vật để gây thiệt hại cho người khác.

(2) Trách nhiệm bồi thường của người thứ ba theo khoản 2 Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 hướng dẫn như sau:

Súc vật gây thiệt hại cho người khác trong trường hợp do người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trường hợp chủ sở hữu và người thứ ba cùng có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Như vậy, người thứ ba trong trường hợp này không phải là chủ sở hữu súc vật; không phải là người chiếm hữu, sử dụng súc vật mà tại thời điểm súc vật gây thiệt hại thì người này thực hiện hành vi kích động, tác động làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác. Hành vi này của người thứ ba là hành vi trái pháp luật nên họ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

(3) Trách nhiệm bồi thường của người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật theo khoản 3 Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 hướng dẫn như sau:

Người chiếm hữu, sử dụng sức vật trái pháp luật trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác thì người chiếm hữu, sử dụng sức vật trái pháp luật có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trường hợp chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng súc vật cùng có lỗi làm cho súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Như vậy, hành vi chiếm hữu, sử dụng súc vật của người khác là hành vi trái pháp luật đối với những người chiếm hữu, sử dụng súc vật phát sinh từ thời điểm thực hiện hành vi dẫn đến việc súc vật gây ra thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

(4) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo tập quán do súc vật thả rông gây ra theo khoản 4 Điều 603 Bộ luật Dân sự năm 2015 hướng dẫn như sau:

Chủ sở hữu súc vật thả rông theo tập quán phải có trách nhiệm bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội khi súc vật thả rông theo tập quán gây thiệt hại cho người khác.

Để đảm bảo trách nhiệm bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội thì phong tục, tập quán đảm bảo nguyên tắc sau đây:

- Đảm bảo việc sử dụng những phong tục, tập quán đó đã trở thành phổ biến, được nhiều người dân sinh sống trên cùng địa bàn, cùng tôn giáo, cùng dân tộc đồng thuận cùng thừa nhận và tôn trọng.

 - Đảm bảo việc sử dụng những phong tục, tập quán phù hợp các nguyên tắc của pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Đảm bảo việc sử dụng những phong tục, tập quán đó tại địa bàn có thói quen áp dụng phong tục, tập quán đó tránh trường hợp sử dụng phong tục, tập quán này tại địa bàn này để áp dụng cho địa bàn khác.

- Đảm bảo việc sử dụng những phong tục, tập quán trên cơ sở thoả thuận của các bên.

- Phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo hoặc những người đứng đầu cộng đồng trong việc sử dụng phong tục, tập quán.

Xem thêm:

Một số vướng mắc về giải quyết bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm.
Mức bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.

Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là nội dung Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015 của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.