THỦ TỤC KHỞI KIỆN
TRANH CHẤP DÂN SỰ TẠI TÒA ÁN
Hình 1. Thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự
Thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án là tổng hợp những quá trình từ khi bắt đầu nộp đơn khởi kiện cho đến khi vụ việc đó được Tòa án thụ lý và chuẩn bị xét xử. Hãy cùng Luật Thịnh Trí tìm hiểu rõ về thủ tục này.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự là gì và có ý nghĩa như thế nào?
2. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự.
3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp dân sự.
4. Các bước thực hiện thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự.
- Pháp luật của nước ta luôn có những quy định nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan và tổ chức trong hầu hết các lĩnh vực, hoạt động cũng như sự kiện xảy ra trên thực tế. Đối với các tranh chấp về dân sự thì cá nhân, cơ quan, tổ chức được bảo vệ quyền lợi bằng cách khởi kiện tranh chấp đó ra Tòa án có thẩm quyền.
- Như vậy, khởi kiện tranh chấp dân sự được hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc chủ thể khác thực hiện việc nộp đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hay người khác.
- Các quy định về quyền khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án mang lại rất nhiều ý cho những người cần được pháp luật bảo vệ, cụ thể:
- Đây là phương thức đầu tiên để cá nhân, cơ quan, tổ chức thông báo rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
- Quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức sẽ được Nhà nước, pháp luật bảo vệ kịp thời và sớm nhất, buộc bên vi phạm phải chấm dứt các hành vi trái luật hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho những hành vi đó.
- Khởi kiện tranh chấp dân sự còn là hoạt động nhằm củng cố trật tự xã hội. Kết quả của việc khởi kiện sẽ được sự ghi nhận của toàn dân.
- Hồ sơ khởi kiện sẽ tùy thuộc vào loại tranh chấp dân sự mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo đó, đơn khởi kiện và giấy tờ nhân thân của các bên là những loại giấy tờ bắt buộc phải có trong tất cả các tranh chấp dân sự. Ngoài ra, những tài liệu cần thiết trong hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự gồm có:
- Đối với tranh chấp về hợp đồng:
- Hợp đồng do các bên ký kết;
- Chứng cứ, tài liệu thể hiện quá trình thực hiện hay vi phạm hợp đồng.
- Đối với tranh chấp về đất đai:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà các bên có tranh chấp (nếu có);
- Chứng cứ, tài liệu thể hiện quyền sử dụng đất của các bên.
- Đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
- Giấy khai sinh của các con;
- Giấy chứng nhận sở hữu tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng.
- Đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:
- Chứng cứ, tài liệu thể hiện việc vi phạm pháp luật và gây thiệt hại, lỗi của người bên gây thiệt hại;
- Giấy tờ xác nhận những thiệt hại xảy ra trên thực tế và chứng từ kê khai chi phí sửa chữa, khắc phục.
- Đối với tranh chấp về thừa kế:
- Di chúc (nếu có);
- Giấy chứng tử của người để lại di sản;
- Bản kê khai các di sản và giấy tờ sở hữu của người để lại di sản;
- Giấy tờ xác nhận mối quan hệ huyết thống hoặc con nuôi để xác định hàng thừa kế v.v...
- Ngoài những loại giấy tờ đã được liệt kê, người khởi kiện cần cung cấp những giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến tranh chấp dân sự mà người khởi kiện yêu cầu giải quyết. Việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện đầy đủ và chính xác sẽ giúp người khởi kiện tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Bởi vì, sự hợp lệ của hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự là điều kiện quan trọng để Tòa án xem xét có thụ lý tranh chấp dân sự đấy hay không. Do đó, người khởi cần lưu ý những loại giấy tờ cần chuẩn bị đối với mỗi loại tranh chấp nêu trên.
Hình 2. Hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự
- Sau khi đã hoàn tất việc chuẩn bị xong hồ sơ khởi kiện tranh chấp dân sự thì vấn đề xác định đúng thẩm quyền của Tòa án giải quyết các tranh chấp đấy cũng hết sức quan trọng.
- Theo đó, tranh chấp dân sự mà cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết tại mỗi cấp Tòa án. Hiện nay, những tranh chấp mà người khởi kiện có thể khởi kiện ra Tòa án được quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tùy vào mỗi loại tranh chấp mà người khởi kiện cần phải lựa chọn Tòa án theo cấp và theo lãnh thổ đúng quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
- Thẩm quyền của Tòa án cấp huyện: (i) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 Bộ luật này; (ii) Tranh chấp về kinh doanh thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật này; (iii) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 Bộ luật này; (iiii) Những tranh chấp trên mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện.
- Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh: Điều 37 BLTTDS 2015 quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc trừ tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
- Thẩm quyền theo lãnh thổ: Hiện nay, các quy định về thẩm quyền theo cấp lãnh thổ được quy định tại Điều 39 và Điều 40 BLTTDS 2015. Quy định này là cơ sở để bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án được nhanh chóng, đúng đắn, từ đó bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
- Theo đó, những tranh chấp liên quan đến bất động sản hay quyền sử dụng đất, người khởi kiện chỉ có thể khởi kiện tại Tòa án nơi có bất động sản theo điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng 2015.
- Ví dụ: tranh chấp dân sự là tranh chấp đất đai tại Thành phố Cần Thơ thì người khởi kiện chỉ có thể khởi kiện tranh chấp đó ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện tại thành phố Cần Thơ để giải quyết.
- Tương tự như những thủ tục khác, việc khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án cũng cần phải được thực hiện theo những trình tự nhất định. Đối với tranh chấp dân sự chưa xác định được người bị kiện thì người có quyền và lợi ích bị xâm phạm cần xác minh được chủ thể gây ra điều đó. Nếu tranh chấp dân sự đã xác định được người bị kiện, các hành vi vi phạm pháp luật thì người khởi kiện tiến hành các bước sau:
- Bước 1: Chuẩn bị đơn khởi kiện;
- Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện;
- Bước 3: Xác định Tòa án nộp hồ sơ khởi kiện;
- Bước 4: Nộp hồ sơ khởi kiện ra Tòa án.
- Về hình thức nộp hồ sơ khởi kiện, theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì người khởi kiện có thể được nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi thông qua đường bưu điện. Khi nộp hồ sơ khởi kiện, người khởi kiện cần giữ lại biên bản về việc giao nhận hồ sơ tài liệu tại Tòa án để làm căn cứ chứng minh việc nộp hồ sơ của mình.
- Tóm lại, thủ tục khởi kiện tranh chấp tại Tòa án là thủ tục đầu tiên của quá trình tố tụng dân sự. Do đó, người khởi kiện cần phải lưu ý và thực hiện đúng để tránh mất thời gian và công sức. Bởi vì, nếu không thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án thì sẽ không có những bước tiếp theo của quá trình tố tụng.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ Quy định về tạm ứng án phí, lệ phí tòa án.
➤ Quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.
➤ Tố tụng hình sự là gì? Các giai đoạn tố tụng hình sự.
➤ Thủ tục truy tố và các quyết định được thực hiện trong truy tố vụ án hình sự.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về thủ tục khởi kiện tranh chấp dân sự tại Tòa án. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: Luật Thịnh Trí