Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự

Thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự

27/01/2022


THỦ TỤC HÒA GIẢI
TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

Thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự

Hình 1. Thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự

  Hòa giải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện sau khi thụ lý vụ án. Cùng Luật Thịnh Trí tìm hiểu về thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự qua bài viết sau đây để nắm được những thông tin cần thiết khi tham gia vào quá trình tố tụng.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm hòa giải trong tố tụng dân sự.

2. Phạm vi hòa giải trong tố tụng dân sự.

3. Ý nghĩa của hòa giải trong tố tụng dân sự.

4. Thành phần và trình tự thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự.

1. Khái niệm hòa giải trong tố tụng dân sự

  • Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ tiến hành giải thích các quy định pháp luật và tạo điều kiện, tổ chức buổi gặp mặt cho các đương sự thỏa thuận với nhau về các vấn đề cần giải quyết của vụ án. Hoạt động này được gọi là hòa giải trong tố tụng dân sự theo Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015).
  • Nội dung của hòa giải sẽ tùy thuộc vào mỗi vụ án dân sự khác nhau. Thông thường, đây sẽ là các vấn đề cần giải quyết trong vụ án, ví dụ như: phân chia giá trị tài sản tranh chấp, quyền và nghĩa vụ của các bên, án phí, mức bồi thường và phương thức bồi thường thiệt hại, chia di sản thừa kế v.v…
  • Tòa án phải tiến hành thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự theo đúng trình tự thủ tục nhất định và phải tuân theo các nguyên tắc tại Điều 205 BLTTDS 2015 như:
  • Tôn trọng sự tự nguyện và kết quả thỏa thuận của các đương sự, không tác động một cách gò bó hay gượng ép bên nào và không dùng bất cứ biện pháp gì bắt buộc các đương sự thỏa thuận trái với ý chí của họ.
  • Nội dung sự thỏa thuận của các đương sự phải phù hợp với đạo đức xã hội, không trái với quy định pháp luật.

2. Phạm vi hòa giải trong tố tụng dân sự

  • Theo quy định pháp luật, không phải tất cả các vụ án đều được Tòa án tiến hành hòa giải. Hiện nay, phạm vi hòa giải vụ án dân sự được pháp luật quy định minh thị tại Điều 206 BLTTDS 2015. Theo đó, Tòa án sẽ không hòa giải đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đến tài sản nhà nước và những vụ án phát sinh từ giao dịch trái pháp luật v.v…
  • Sỡ dĩ có quy định này là vì xét về bản chất, những yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến tài sản của Nhà nước là tài sản thuộc sở hữu của toàn dân. Người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường tài sản bị hao hụt cho toàn dân và không có quyền thay đổi hay thương lượng.
  • Đặc biệt, với những vụ án phát sinh từ giao dịch trái pháp luật thì Tòa án không tiến hành hòa giải được vì vốn dĩ các giao dịch ấy đã vô hiệu từ ban đầu. Do đó, các bên không thể thỏa thuận về hành vi trái pháp luật của mình.
  • Ngoài ra, Điều 207 BLTTDS còn quy định một số vụ án không tiến hành hòa giải được thì Tòa án quyết định đưa ra xét xử luôn, bỏ qua bước hòa giải.

3. Ý nghĩa của hòa giải trong tố tụng dân sự

  Hòa giải trong tố tụng dân sự là thủ tục quan trọng, tác động đến tâm lý của các bên đương sự và tạo điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án một cách dễ dàng hơn ngay cả trong trường hợp hòa giải không thành và hòa giải thành.

  • Nếu việc hòa giải không thành thì giúp Tòa án hiểu rõ hơn về nội dung của vụ án, nắm được ý chí, nguyện vọng của các bên đương sự để có thể giải quyết vụ án một cách công tâm và thuận tiện hơn.
  • Nếu hòa giải thành thì sẽ mang lại nhiều ý nghĩa như:
  • Thứ nhất, không phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, qua đó có thể rút ngắn thủ tục tố tụng, tiết kiệm công sức, chi phí của cả đương sự cũng như Tòa án.
  • Thứ hai, giúp nâng cao kiến thức pháp luật của các bên đương sự. Hòa giải thành giúp đương sự rút kinh nghiệm xử lý các vấn đề xảy ra trong cuộc sống một cách đúng theo quy định của pháp luật.
  • Thứ ba, góp phần nâng cao dân trí và xây dựng sự đoàn kết giữa các công dân trong xã hội.

4. Thành phần và trình tự thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự

 

Hình 2. Thành phần và trình tự hòa giải trong tố tụng dân sự

  • Thành phần phiên hòa giải vụ án dân sự được quy định tại Điều 209 BLTTDS 2015. Cụ thể, trong phiên hòa giải sẽ bao gồm:
  • + Thẩm phán chủ trì phiên họp hòa giải;
  • + Thư ký Tòa án ghi biên bản hòa giải;
  • + Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự.
  • Nếu một trong các bên đương sự cố tình vắng mặt hoặc vắng mặt nhưng có lý do chính đáng thì đều được coi là hòa giải không thành theo quy định tại Điều 207 BLTTDS 2015.
  • Về trình tự, thủ tục tiến hòa phiên hòa giải vụ án dân sự như sau:
  • Bước 1. Thông báo về phiên hòa giải
  • Các bên đương sự được thông báo về thời gian, địa điểm, và nội dung các vấn đề của phiên hòa giải theo khoản 1 Điều 208 BLTTDS 2015.
  • Bước 2. Thẩm phán sẽ kiểm tra lại sự có mặt của các đương sự trước khi tiến hành phiên hòa giải theo Điều 210 BLTTDS 2015.
  • Bước 3. Khi đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để tiến hành hòa giải, Thẩm phán sẽ tiến hành công bố các nội dung vụ án đang tranh chấp, phổ biến quy định của pháp luật, phân tích hậu quả của việc hòa giải thành hoặc không thành.
  • Bước 4. Tiếp theo, các bên đương sự (nguyên đơn, bị đơn và cả người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đưa ra quan điểm, ý kiến và định hướng giải quyết của mình. Thẩm phán sẽ xác định những vấn đề các bên thỏa thuận được và chưa thỏa thuận được.
  • Bước 5. Nếu các bên đã thỏa thuận được với nhau về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Biên bản này chưa có giá trị pháp lý mà chỉ là cơ sở để Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
  • Tóm lại, hòa giải trong tố tụng dân sự được xem là một thủ tục nhằm xoa dịu, hạn chế sự căng thẳng của các bên đương sự cũng như giúp định hướng tốt nhất để giải quyết vụ án.

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Những vấn đề cần biết về việc ủy quyền.
Tố tụng hình sự là gì? Các giai đoạn tố tụng hình sự.
Thủ tục truy tố và các quyết định được thực hiện trong truy tố vụ án hình sự.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về thủ tục hòa giải trong tố tụng dân sự. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí