Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Thu nhập bao nhiêu thì được giành quyền nuôi con theo pháp luật?

Thu nhập bao nhiêu thì được giành quyền nuôi con theo pháp luật?

09/12/2021


THU NHẬP BAO NHIÊU THÌ ĐƯỢC
GIÀNH QUYỀN NUÔI CON THEO PHÁP LUẬT?

Hình 1. Luật Thịnh Trí - Tư vấn các điều kiện để giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn
Hình 1. Luật Thịnh Trí - Tư vấn các điều kiện để giành quyền trực tiếp nuôi con khi ly hôn

  Tranh chấp quyền trực tiếp nuôi dưỡng con là một vấn đề thường xuyên xảy ra giữa các cặp vợ chồng, trong quá trình giải quyết ly hôn. Trên thực tế, để giành được quyền nuôi con tại Tòa án thì vợ hoặc chồng phải đảm bảo các điều kiện về vật chất, tinh thần cho trẻ, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho con. Để hiểu thêm về các điều kiện này, Luật Thịnh Trí xin mời quý khách hàng tìm hiểu thông tin dưới bài viết sau đây.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quyền và nghĩa vụ nuôi con của cha, mẹ sau khi ly hôn. 1

2. Thu nhập bao nhiêu để dành được quyền nuôi con theo pháp luật?. 2

3.Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn. 3

1. Quyền và nghĩa vụ nuôi con của cha, mẹ sau khi ly hôn

  • Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc nuôi dưỡng, chăm nom, giáo dục con sau khi ly hôn, cụ thể như sau:
  • Vợ, chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau về quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm nom, giáo dục con cái; quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với con sau khi ly hôn; mức cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con. Nếu hai bên vợ, chồng không thể thỏa thuận với nhau về quyền trực tiếp nuôi con, thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết vấn về trực tiếp nuôi con. Tòa án sẽ căn cứ vào quyền và lợi ích về mọi mặt của con để ra quyết định ai là người trực tiếp nuôi con. Đối với trường hợp con trên 7 tuổi Tòa sẽ xem xét nguyện vọng của con.
  • Đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì con phải được giao cho mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng. Tuy nhiên, nếu mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông coi, nuôi dưỡng con thì dù con dưới 36 tuổi, mẹ cũng không có quyền nuôi dưỡng; hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác về việc nuôi con trên cơ sở đặt quyền lợi của con lên hàng đầu.
  • Như vậy, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được Tòa ưu tiên giành quyền nuôi dưỡng con cho người mẹ, nếu người mẹ đủ điều kiện để chăm sóc và nuôi dưỡng con. Trường hợp con trên 36 tháng tuổi nếu hai vợ, chồng không thể thỏa thuận người trực tiếp nuôi dưỡng con cái, thì Tòa án sẽ căn cứ vào các điều kiện vật chất, tinh thần của cha mẹ để quyết định bên nào được quyền nuôi con.

Tham khảo thêm: Sau khi ly hôn, vợ hay chồng được quyền nuôi con?

2. Thu nhập bao nhiêu để dành được quyền nuôi con theo pháp luật?

Một số quyền lợi của con mà vợ hoặc chồng phải bảo đảm nếu muốn giành được quyền nuôi con theo pháp luật. Tòa án căn cứ các điều kiện sau:

  • Điều kiện về kinh tế:
  • Bạn phải chứng minh được thu nhập hằng tháng, tài sản, nơi ở ổn định,… đủ để chăm sóc và nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, nếu muốn giành quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh thu nhập và tài sản tốt hơn đối phương.
  • Điều kiện về tinh thần:
  • Có thời gian để chăm sóc nuôi dưỡng con, làm việc gần nhà, không thường xuyên công tác hoặc đi làm xa, đủ thời gian để chăm sóc, giáo dục con cái. Nếu bạn không có thu nhập tốt hơn đối phương, thì bạn phải chứng minh đối phương không có đủ thời gian chăm sóc con cái, hoặc trong quá trình chung sống, đối phương có những hành vi đánh đập, bạo lực, không yêu thương, không quan tâm con, khi đó Tòa án sẽ xem xét về người trực tiếp nuôi con. Bởi nếu có kinh tế nhưng không có thời gian chăm sóc, giáo dục con hoặc đe dọa về mặt tinh thần con trẻ thì người đó không được quyền nuôi con.
  • Những điều kiện khác:
  • Môi trường sống lành mạnh, nhà cửa, chỗ ở ổn định, có thể cho trẻ được vui chơi, giáo dục, học tập đầy đủ phù hợp với lứa tuổi của con. Nếu bạn có sổ tiết kiệm, bảo hiểm xã hội thì đây chính là lợi thế để bạn giành được quyền nuôi con.
  • Ngoài ra, cách tốt nhất để giành quyền nuôi con, thì bạn phải có chứng cứ chứng minh đối phương không có đủ điều kiện nuôi con trước Tòa như: chứng cứ về hành vi bạo lực gia đình, chứng cứ về thu nhập không ổn định, lối sống của đối phương không lành mạnh, không có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái,…
  • Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể về thu nhập bao nhiêu thì được quyền nuôi con. Nhưng nếu thu nhập của bạn hơn đối phương thì đó là lợi thế trong việc giành quyền nuôi con. Tuy nhiên, ngoài bảo đảm về mặt vật chất thì bạn cần bảo đảm về mặt tinh thần và các điều kiện khác kèm theo. Những người được Tòa án chọn làm người nuôi dưỡng con phải là những người có đủ điều kiện về vật chất lẫn tinh thần cho trẻ, luôn đặt chăm sóc và giáo dục con lên hàng đầu.

Tham khảo thêm: Kinh nghiệm giành được quyền nuôi con sau khi ly hôn?

3.Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn

 Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn
Hình 2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp quyền nuôi con khi ly hôn

Khi xảy ra tranh chấp về quyền trực tiếp nuôi con, Tòa án sẽ giải quyết dựa vào nguyên tắc sau:

  • Người không trực tiếp nuôi dưỡng con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con cái sau khi ly hôn; vậy nên, pháp luật không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay sao, dù có kinh tế đầy đủ thì người không nuôi dưỡng con trực tiếp vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Trong trường hợp người nuôi dưỡng trực tiếp cho con có yêu cầu không nhận cấp dưỡng thì người không trực tiếp nuôi con, Tòa án có nghĩa vụ giải thích cho họ hiểu, việc cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của con. Tuy nhiên, nếu xét thấy việc người trực tiếp nuôi dưỡng con yêu cầu không cần cấp dưỡng của đối phương là tự nguyện, họ nhận thấy có đủ khả năng để tự nuôi dưỡng, chăm sóc con cái thì Tòa không buộc bên kia phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

  • Mức cấp dưỡng mỗi tháng nuôi con bao gồm các chi phí tối thiểu về nuôi dưỡng, học hành của con do các bên thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp 2 vợ, chồng không thể tự thỏa thuận được, thì Tòa án sẽ dựa vào điều kiện của bên không trực tiếp nuôi con để ra mức cấp dưỡng hợp lý.
  • Phương thức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận như cấp dưỡng hàng tháng, nửa năm, hàng năm hoặc cấp dưỡng một lần. Trong trường hợp các bên không thể tự quyết định phương thức cấp dưỡng thì Tòa án sẽ quyết định.
  • Trong trường hợp vợ, chồng không quyết định về người trực tiếp nuôi dưỡng con, thì Tòa án sẽ giao cho người có đủ điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc con tốt nhất, căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con đủ 7 tuổi trở lên, Tòa án phải hỏi ý kiến của con.

Tham khảo thêm:
Các trường hợp bị cấm kết hôn theo quy định pháp luật hiện hành.
Những điều cần biết về trước và sau khi kết hôn.
Cách xác định tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Thủ tục ly hôn thuận tình với người nước ngoài.

  • Bài viết trên đây, Luật Thịnh Trí đã phân tích các điều kiện có lợi để cha hoặc mẹ có giành quyền nuôi con tại Tòa án. Thu nhập chỉ là một điều kiện để Tòa án ưu tiên quyền được nuôi dưỡng con trực tiếp, vậy nên nó không phải là điều kiện duy nhất, muốn giành được quyền nuôi con thì ngoài điều kiện về kinh tế bạn phải đáp ứng điều kiện tinh thần cho trẻ. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bạn. Nếu quý khách hàng gặp khó khăn trong việc giành quyền trực tiếp nuôi con, xin vui lòng liên hệ đến chúng tôi để được Luật sư chuyên môn tư vấn trực tiếp, tận tình, chu đáo:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365