Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Sử dụng người lao động nước ngoài, Bộ luật lao động 2019 có cho phép?

Sử dụng người lao động nước ngoài, Bộ luật lao động 2019 có cho phép?

27/12/2021


SỬ DỤNG NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI,
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019 CÓ CHO PHÉP?

Quy định của Bộ luật lao động về sử dụng NLĐ nước ngoài tại Việt Nam

Hình 1. Quy định của Bộ luật lao động về sử dụng NLĐ nước ngoài tại Việt Nam

  Trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài ngày càng phổ biến. Người sử dụng lao động cần phải nắm rõ quy định của Bộ luật lao động 2019 khi tuyển dụng.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Người lao động nước ngoài là gì?

2. Điều kiện để người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam.

3. Điều kiện đối với người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam.

4. Trình tự, thủ tục sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam.

1. Người lao động nước ngoài là gì?

  • Hiện nay, Bộ luật lao động 2019 không có định nghĩa cụ thể người lao động nước ngoài là gì. Tuy nhiên, căn cứ vào khoản 1 Điều 151, chúng ta có thể hiểu người lao động nước ngoài là người có quốc tịch nước ngoài tham gia vào quan hệ lao động tại Việt Nam và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
  • Như vậy, quốc tịch nước ngoài chính là yếu tố quan trọng để xác định người lao động nước ngoài. Theo đó, người sử dụng lao động cần lưu ý phân biệt hai khái niệm dễ nhầm lẫn dưới đây:
    • Theo khoản 5 Điều 3 Luật Quốc tịch 2008 thì người nước ngoài bao gồm công dân nước ngoài và người không quốc tịch;
    • Theo khoản 1 Điều 3 Luật Quốc tịch 2008 thì người có quốc tịch nước ngoài là người có quốc tịch của một nước khác, không phải là quốc tịch Việt Nam.
  • Như vậy, nếu là người không quốc tịch tham gia vào quan hệ lao động tại Việt Nam sẽ không được xem là người lao động nước ngoài.

2. Điều kiện để người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam

  • Với tinh thần bảo vệ nguồn lao động trong nước, cũng như nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về lao động nước ngoài, Bộ luật lao động 2019 đã đưa ra một số điều kiện đối với người lao động nước ngoài khi làm việc tại Việt Nam. Cụ thể như sau:
    • Thứ nhất, phải đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đây là điều kiện tiên quyết để người lao động nước ngoài có thể làm việc tại Việt Nam. Theo khoản 2 Điều 674 BLDS 2015, khi người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
    • Thứ hai, phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc và có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế. Theo đó, điều kiện sức khỏe sẽ được thể hiện qua Giấy chứng nhận sức khỏe hoặc giấy khám sức khỏe do cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền cấp;
    • Thứ ba, không trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
    • Thứ tư, phải có giấy phép lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động quy định tại Điều 154 Bộ luật lao động 2019.

Tham khảo thêm bài viết: Những điểm mới về lương, thưởng theo Bộ luật lao động 2019.

3. Điều kiện đối với người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam

  • Bộ luật lao động 2019 không chỉ quy định về điều kiện làm việc của người lao động nước ngoài mà các doanh nghiệp hay người sử dụng lao động khác cũng phải đáp ứng các điều kiện nhất định khi sử dụng người lao động nước ngoài. Các điều kiện đó được quy định tại Điều 152 như sau:

- Thứ nhất, về vị trí công việc: Không phải tất cả các vị trí làm việc nào cũng được sử dụng người lao động nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp hay người sử dụng lao động khác chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào các vị trí quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Sỡ dĩ có quy định này là vì pháp luật muốn bảo vệ nguồn lao động trong nước.

- Thứ hai, trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, doanh nghiệp có trách nhiệm giải trình nhu cầu sử dụng lao động với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc. Chỉ khi các cơ quan này chấp thuận bằng văn bản về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc, doanh nghiệp mới được phép tuyển dụng.

  • Lưu ý rằng, đối với nhà thầu, trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và phải  được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Trình tự, thủ tục sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam

 Trình tự, thủ tục sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam

Hình 2. Trình tự, thủ tục sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam

  • Bộ luật lao động 2019 và Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp và người sử dụng lao động khác phải tuân thủ nghiêm chỉnh toàn bộ thủ tục được pháp luật quy định, cụ thể như sau:

- Bước đầu tiên: Giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài

Người sử dụng lao động phải báo cáo giải trình về nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.

- Bước thứ hai: Đề nghị cấp Giấy phép lao động

Sau khi nhận được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nêu trên, người sử dụng lao động hoặc người lao động nước ngoài (tùy trường hợp) cần tiến hành thủ tục đề nghị cấp Giấy phép lao động tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam.

- Bước thứ ba: Ký kết hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động và người lao động nước thực hiện ký kết Hợp đồng lao động bằng văn bản trước ngày dự kiến làm việc. Đồng thời, người sử dụng lao động có trách nhiệm gửi bản gốc hoặc bản sao có chứng thực Hợp đồng lao động này đến cơ quan đã cấp Giấy phép lao động đó.

Tham khảo thêm bài viết:
Hợp đồng lao động là gì?
13 trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Phân biệt trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc.
 
Những điểm mới về lương, thưởng theo Bộ luật lao động 2019.

  • Tóm lại, nếu người sử dụng lao động không nắm rõ các điều kiện về sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam sẽ gây ra không ít khó khăn trong việc tuyển dụng, quản lý người lao động. Do đó, người sử dụng lao động cần phải nắm bắt quy định của Bộ luật lao động 2019 về điều kiện cũng như quy trình tuyển dụng người lao động nước ngoài.
  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định của Bộ luật lao động 2019 về việc sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí