Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự kê biên tài sản là vật đối với người phải thi hành án

Quy định về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự kê biên tài sản là vật đối với người phải thi hành án

27/01/2022


QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ
THI HÀNH ÁN DÂN SỰ KÊ BIÊN TÀI SẢN
LÀ VẬT ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẢI THI HÀNH ÁN

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự.

2. Các loại tài sản là vật không được kê biên.

3. Kê biên tài sản là vật đối với người phải thi hành án.

4. Quy trình thực hiện kê biên tài sản là vật.

  Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế đảm bảo cho việc thi hành bản án, quyết định của tòa án khi người thi hành án không tự nguyện chấp hành bản án, quyết định dân sự của tòa án. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự có nhiều quy định mới về các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, trong đó việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là vật của người phải thi hành án, bao gồm tài sản do người thứ ba đang giữ rất được quan tâm. Vậy đó là các loại tài sản nào, việc áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với tài sản là vật như thế nào? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết về các điều nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 

Ảnh minh họa về thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự

1. Quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

  • Theo quy định tại Điều 70 Luật Thi hành án dân sự thì căn cứ cưỡng chế thi hành án dân sự dựa trên bản án, quyết định; Quyết định thi hành án; Quyết định cưỡng chế thi hành án trừ trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án và quyết định của Tòa án đã kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản.
  • Các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo Điều 71 Luật Thi hành án dân sự bao gồm:
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
  • Trừ tiền trong tài khoản; xử lý, thu hồi tiền, giấy tờ có giá trị của người phải thi hành án;
  • Xử lý, kê biên tài sản của người thi hành án; kể cả tài sản do người thứ ba giữ;
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án;
  • Buộc chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ, chuyển giao vật;
  • Buộc người phải thi hành án không được thực hiện hoặc thực hiện công việc nhất định.

2. Các loại tài sản là vật không được kê biên

  • Trong số các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự thì biện pháp cưỡng chế xử lý, kê biên tài sản của người phải thi hành án; kể cả tài sản do người thứ ba giữ được quy định rất chặt chẽ về kê biên tài sản là tiền, tài sản là giấy tờ có giá, tài sản là quyền sở hữu trí tuệ, tài sản là vật. Trong đó, đối với cưỡng chế tài sản là vật thì không phải loại tài sản là vật nào cũng áp dụng biện pháp kê biên, có một số loại tài sản là vật không được kê biên.
  • Theo Điều 87 Luật Thi hành án dân sự quy định về tài sản là vật không được kê biên như sau:
  • Tài sản phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng;
  • Tài sản do ngân sách nhà nước cấp cho tổ chức, cơ quan;
  • Tài sản bị cấm lưu thông theo quy định pháp luật;
  • Tài sản của cá nhân phải thi hành án bao gồm: Số lương thực trong thời gian chưa có thu nhập, thu hoạch mới để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cá nhân phải thi hành án và gia đình; số thuốc để phòng bệnh, chữa bệnh; vật dụng chăm sóc người ốm; vật dùng cần thiết của người tàn tật; đồ dùng thờ cúng theo tập quán địa phương; công cụ có giá trị không lớn, công cụ lao động làm phương tiện sinh sống duy nhất hoặc chủ yếu; đồ sinh hoạt cần thiết.
  • Tài sản của doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; hợp tác xã phải thi hành án bao gồm: lương thực, thực phẩm, dụng cụ và tài sản khác cho người lao động trong việc phục vụ bữa ăn; số thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người lao động; tài sản không để kinh doanh như nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế, phương tiện, thiết bị và tài sản khác thuộc cơ sở; công cụ, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống cháy nổ; công cụ, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống ô nhiễm môi trường; công cụ, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo an toàn lao động.

 Kê biên tài sản là vật

Ảnh minh họa kê biên tài sản là vật

3. Kê biên tài sản là vật đối với người phải thi hành án

Kê biên tài sản là vật bao gồm:

  1. Kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm: Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký trước khi kê biên và Chấp hành viên thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý sau khi kê biên.
  2. Kê biên, xử lý tài sản đang thế chấp, cầm cố:  Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp trong trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án. Giá trị tài sản đang thế chấp, cầm cố lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Khi kê biên, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp và người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản kê biên.
  3. Kê biên tài sản của người phải thi hành án do người thứ ba đang giữ: Chấp hành viên ra quyết định kê biên tài sản đó để thi hành án khi xác định được người thứ ba đang giữ tài sản của người phải thi hành án, bao gồm trường hợp tài sản được xác định bằng bản án, quyết định khác. Nếu người thứ ba không tự nguyện chấp hành thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc họ phải giao tài sản để thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang thuê tài sản bị kê biên thì được tiếp tục thuê theo hợp đồng đã giao kết.
  4. Kê biên vốn góp: Cá nhân, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án có vốn góp phải cung cấp thông tin về phần vốn góp của người phải thi hành án theo yêu cầu của Chấp hành viên.
  5. Kê biên đồ vật bị đóng gói, bị khóa: Người phải thi hành án, người đang sử dụng, quản lý đồ vật mở khóa, mở gói phải kê biên theo yêu cầu của Chấp hành viên. Trường hợp không tự nguyện chấp hành hoặc cố ý vắng mặt thì Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác và có người làm chứng để mở khóa, phá khóa hoặc mở gói đối với đồ vật bị kê biên. Sau khi đồ vật bị mở khóa, phá khóa hoặc mở gói cần bảo quản thì Chấp hành viên thực hiện niêm phong đồ vật và lập biên bản niêm phong có chữ ký của người làm chứng và người tham gia.
  6. Kê biên tài sản gắn liền với đất: Trường hợp tài sản gắn liền với đất là công trình xây dựng phải kê biên luôn cả quyền sử dụng đất, nếu có quy định pháp luật không được kê biên đối với quyền sử dụng đất đó thì không thực hiện kê biên quyền sử dụng đất. Nếu việc tách rời tài sản kê biên và đất không làm giảm giá trị tài sản đó đáng kể thì không thực hiện kê biên quyền sử dụng đất.
  7. Kê biên nhà ở: Sau khi xác định người phải thi hành chỉ có nhà ở là nơi ở duy nhất mà không có tài sản khác hoặc có tài sản khác nhưng không đảm bảo thi hành án thì thực hiện kê biên tài sản nhà ở này và khi kê biên phải kê biên luôn cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở đang cho thuê, cho người khác ở nhờ thì Chấp hành viên thông báo cho người đang thuê, đang ở nhờ biết. Trường hợp quyền sử dụng đất thuộc về người khác thì chỉ thực hiện kê biên khi người có quyền sử dụng đất đồng ý, nếu không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở.
  8. Kê biên phương tiện giao thông: Người phải thi hành án, người đang quản lý, sử dụng phương tiện đó phải giao giấy đăng ký phương tiện bị kê biên theo yêu cầu của Chấp hành viên.
  9. Kê biên hoa lợi: Chấp hành viên thực hiện kê biên đối với tài sản mang lại hoa lợi để đảm bảo việc thi hành án, đối với lương thực, thực phẩm khi kê biên phải để lại một phần để người phải thi hành án và gia đình sinh sống theo quy định.

4. Quy trình thực hiện kê biên tài sản là vật

  • Chấp hành viên phải thông báo về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc.
  • Đương sự có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các nghĩa vụ, quyền lợi của mình nếu vắng mặt. Trường hợp đương sự và người ủy quyền đương sự vắng mặt thì vẫn tiến hành kê biên và Chấp hành viên phải mời người làm chứng hoặc nếu không có người làm chứng thì Chấp hành viên phải ghi rõ nội dung vào biên bản kê biên.
  • Việc kê biên phải được lập biên bản, với các nội dung: ngày tháng năm; họ tên Chấp hành viên; đương sự hoặc người ủy quyền cho đương sự; người lập biên bản; người làm chứng; người có liên quan tài sản; nội dung kê biên; mô tả tình trạng tài sản kê biên; ý kiến người làm chứng; yêu của của đương sự; chữ ký của chấp hành viên, người lập biên bản, đương sự hoặc ủy quyền của đương sự, người làm chứng, đại diện chính quyền địa phương hoặc tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế.

Xem thêm:

Những điều cần biết về biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.
Biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản đối với pháp nhân thương mại.

Xử lý vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự.
Quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự.

  • Trên đây là nội dung Quy định về thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự kê biên tài sản là vật đối với người phải thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự năm 2014 của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.