Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định về cho thuê lại lao động theo BLLĐ 2019

Quy định về cho thuê lại lao động theo BLLĐ 2019

27/12/2021


QUY ĐỊNH VỀ
CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG THEO BLLĐ 2019

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Cho thuê lại lao động được hiểu thế nào?

2. Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động.

3. Quy định về hợp đồng cho thuê lại lao động.

4. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có nghĩa vụ và quyền như thế nào?

5. Người lao động có nghĩa vụ và quyền như thế nào?

  Mặc dù việc cho thuê lại lao động đã không còn quá mới mẻ đối với người sử dụng lao động nhưng phần lớn người lao động vẫn chưa hiểu rõ về vấn đề này. Dưới đây, Luật Thịnh trí sẽ tổng hợp những quy định quan trọng về cho thuê lại lao động theo Bộ luật Lao động 2019.

1. Cho thuê lại lao động được hiểu thế nào?

  • Theo quy định tại Bộ luật Lao động thì cho thuê lại lao động là việc người sử dụng lao động (doanh nghiệp cho thuê lại lao động) thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Sau đó, người sử dụng lao động chuyển người lao động này sang làm việc và chịu sự điều hành của một người sử dụng lao động khác (không phải là doanh nghiệp cho thuê lại lao động) mà người lao động và doanh nghiệp cho thuê lại lao động vẫn duy trì quan hệ lao động theo như hợp đồng lao động đã giao kết.
  • Doanh nghiệp muốn hoạt động cho thuê lại lao động thì cần xin Giấy phép hoạt động cho thuê lại động vì đây là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

2. Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động

  • Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể về thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
  • Những trường hợp bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại bao gồm:
    • Trong khoảng thời gian nhất định có thể đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngồi về nhu cầu sử dụng lao động.
    • Bên thuê lại lao động có người lao động nghỉ thai sản, bệnh nghề nghiệp, bị tai nạn lao động hoặc thực hiện các nghĩa vụ công dân và cần người lao động để thay thế.
    • Bên thuê lại lao động có nhu cầu sử dụng lao động có kỹ thuật, chuyên môn cao.
  • Những trường hợp bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại bao gồm:
    • Trong thời gian người lao động thực hiện quyền định công, giải quyết tranh chấp lao động thì bên thuê lao động thực hiện thuê người lao động để thay thế những người này.
    • Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và người lao động không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường cho người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
    • Bên thuê lại lao động cho thôi việc người lao động vì lý do kinh tê hoặc thay đổi công nghệ cơ cấu hoặc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất và cần người lao động để thay thế.
  • Ngoài ra, bên thuê lại lao động không được sử dụng những người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp cho thuê lại lao động không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động. Bên thuê lại lao động không được phép chuyển người lao động mà mình đang thuê cho người sử dụng lao động khác.

3. Quy định về hợp đồng cho thuê lại lao động

  • Để thực hiện việc cho thuê lại lao động thì bên thuê lại lao động và doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động. Hợp đồng này phải được lập thành văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
  • Những nội dung chủ yếu trong hợp đồng cho thuê lại lao động bao gồm:
    • Vị trí làm việc, địa điểm làm việc của bên thuê lại lao động cần sử dụng lao động thuê lại;
    • Chi tiết về yêu cầu, nội dung công việc đối với người lao động thuê lại;
    • Điều kiện an toàn, vê sinh lao động tại nơi làm việc và thời giờ nghỉ ngơi, làm việc của người lao động thuê lại;
    • Trách nhiệm bồi thường khi người lao động bị bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động;
    • Nghĩa vụ của bên thuê lại lao động, bên cho thuê lại lao động đối với người lao động.
  • Ngoài ra, khi thực hiện giao kết hợp đồng cho thuê lại lao động thì hợp đồng này không được có những thỏa thuận về lợi ích và quyền của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động giữ người lao động và doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký trước đó.

Nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động  

Nghĩa vụ của doanh nghiệp cho thuê lại lao động (ảnh minh họa)

4. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có nghĩa vụ và quyền như thế nào?

  • Doanh nghiệp cho thuê lại lao động ngoài các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 thì còn có các quyền và nghĩa vụ sau:
    • Bảo đảm đưa người lao động theo đúng nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký, đưa người lao động có trình độ phù hợp với yêu cầu của bên thuê lại lao động.
    • Thông báo nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động để người lao động được biết.
    • Thông báo những yêu cầu, sơ yếu lý lịch của người lao động cho bên thuê lại lao động được biết.
    • Lập hồ sơ ghi rõ những nội dung về số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động và thực hiện báo cáo định kỳ cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh.
    • Khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động và được bên thuê lại lao động trả lại thì bên cho thuê lại lao động thực hiện xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động vi phạm.

5. Người lao động có nghĩa vụ và quyền như thế nào?

  • Người lao động thuê lại ngoài các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 thì còn có các quyền và nghĩa vụ sau:
    • Thực hiện công việc với doanh nghiệp cho thuê lại lao động theo những thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký.
    • Tuân theo sự quản lý, giám sát, điều hành hợp pháp của bên thuê lại lao động. Đồng thời chấp hành nội quy lao động, kỷ luật lao động;
    • Người lao động thuê lại được nhận lương không thấp hơn tiền lương mà bên thuê lại lao động trả cho người lao động làm cùng công việc, có cùng trình độ của họ.
    • Trong trường hợp bên thuê lại lao động vi phạm những thỏa thuận đã được ký kết trong hợp đồng cho thuê lại lao động thì người lao động thuê lại có thể khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
    • Được giao kết hợp đồng lao động với bên thuê lại lao động sau khi đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với bên cho thuê lại lao động.

Xem thêm:

Những điểm mới về lương, thưởng theo bộ luật lao động 2019.
Xây dựng nội quy lao động theo Bộ luật lao động 2019.
Quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Có bao nhiêu loại hợp đồng lao động hiện nay?

  • Trên đây là nội dung Quy định về cho thuê lại lao động theo BLLĐ 2019 mà Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.