Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của lực lượng Quản lý thị trường

Quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của lực lượng Quản lý thị trường

17/08/2021


QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI, SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ, HÀNG CẤM

VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG CỦA LỰC LƯỢNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1.Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm

2.Thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau

  • Thời gian qua nạn buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra phức tạp. Trước thực trạng trên, ngày 26/8/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020 )  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, như sau:

            1.Các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bao gồm:

  • Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác; Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh; sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác; Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá; Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu; Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại; Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hành vi vi phạm về thương mại điện tử; Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam; Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại.
  • Xuất phát từ tình hình thực tế: Nếu như hoạt động mua bán hàng hóa trước đây chỉ diễn ra thông qua hình thức mua bán và trao đổi trực tiếp thì hiện nay, hoạt động mua bán hàng hóa đã phát triển sang hình thức đa dạng hơn, tiện lợi hơn nhờ sự phát triển của Internet - đó là lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy đây là hình thức kinh doanh mới mẻ nhưng đã phát triển một cách ồ ạt nhờ sự tiện lợi của nó, giúp kết nối giữa người mua và người bán nhanh chóng. Từ đó, xuất hiện hành vi gian lận, bán hàng giả, hàng kém chất lượng đã gây không ít thiệt hại cho người tiêu dùng thông qua hình thức mua bán này. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, tại chương II Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu trên đã có một số Điều luật (từ Điều 63 đến Điều 66) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử) như sau:
  • Hành vi vi phạm về thiết lập website thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động.
  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

        Không công bố đầy đủ hoặc công bố không chính xác trên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng thông tin về chủ sở hữu website hoặc ứng dụng bán hàng, thông tin hàng hóa, dịch vụ, thông tin về giá cả, thông tin vận chuyển và giao nhận, thông tin về điều kiện giao dịch chung, thông tin về các phương thức thanh toán theo quy định;

             Nhận chuyển nhượng website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng mà không làm thủ tục chuyển nhượng hoặc không tiến hành thông báo lại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

             Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với Hành vi giả mạo logo “Đã thông báo” với Bộ Công Thương: Sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

              Hành vi vi phạm về thông tin và giao dịch trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

             Cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet;

             Không thực hiện đúng theo các điều khoản của hợp đồng đã giao kết hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động theo quy định.

              Hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử:

             Một số hành vi vi phạm về hoạt động đấu giá trực tuyến:

             Mức phạt từ 1.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: Không cung cấp đầy đủ cho khách hàng thông tin về địa điểm và thời gian đấu giá, thông báo đấu giá hàng hóa, cách thức xác định người mua hàng, thông báo kết quả đấu giá trên website hoặc ứng dụng đấu giá trực tuyến theo quy định.

             Mức phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không thông báo kết quả đấu giá và gửi đến người bán hàng, người mua hàng và các bên có liên quan theo quy định; Không cung cấp cho người bán hàng thông tin về diễn biến cuộc đấu giá mà người bán hàng tổ chức khi có yêu cầu.

  • Nghị định còn quy định cụ thể mức phạt với một số hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như:

        Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điên tử mà không có cơ chế thông báo cho khách hàng sử dụng dịch vụ được biết hoặc không có lý do chính đáng; Không công bố quy chế hoặc công bố quy chế trên website khác với thông tin tại hồ sơ đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận; Thay đổi các nội dung của quy chế website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng dịch vụ thương mại điện tử mà không thông báo cho các chủ thể sử dụng dịch vụ trước khi áp dụng những thay đổi đó; Không có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên website thương mại điện tử hoặc ứng dụng di động được thực hiện chính xác, đầy đủ.

             Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: Tự ý thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ hoặc di chuyển trái phép thông tin thanh toán của khách hàng trên website hoặc ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc để thông tin thanh toán của khách hàng qua website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc ứng dụng thương mại điện tử bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng.

              Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin cá nhân trong hoạt động thương mại điện tử,

             Người sở hữu website thương mại điện tử mà website đó có chức năng thanh toán trực tuyến tuy nhiên không công bố trên website chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Lưu ý:

Mức tiền phạt quy định tại Nghị định này là áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân. Ngoài việc bị phạt tiền, thì tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền ".vn" hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của lực lượng Quản lý thị trường
Quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của lực lượng Quản lý thị trường.

            2.Thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau :

            * Kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền:

Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 1.000.000 đồng đối với tổ chức.

            * Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có quyền:

- Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức;

 - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 2, điều 82 Nghị định;

- Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này, trừ biện pháp quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 4 của Nghị định.

* Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

 - Phạt cảnh cáo;

 - Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với tổ chức;

 - Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b, khoản 3, điều 82 Nghị định;

 - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

 - Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định.

            * Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền:

 - Phạt cảnh cáo;

 - Phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

 - Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

 - Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định.

Tham khảo thêm bài viết:
Không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Hàn Quốc và những câu hỏi thường gặp.

Các trường hợp cấp chứng từ thuế thu nhập cá nhân.
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.