Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Quy định pháp luật về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và biện pháp nghiệp vụ Quản lý thị trường

Quy định pháp luật về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và biện pháp nghiệp vụ Quản lý thị trường

17/08/2021


QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

VỀ HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

VÀ BIỆN PHÁP NGHIỆP VỤ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Về xây dựng, phê duyệt, ban hành, định hướng chương trình kiểm tra, kế hoạch kiểm tra.

2. Về tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và ban hành phương án kiểm tra đột xuất.

3.Về nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra.

4. Về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

5. Về thẩm quyền, trình tự thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

  • Bộ Công thương ban hành Thông tư 27/2020/TT-BCT ngày 30/9/2020 quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
  • Nội dung Thông tư quy định về: Xây dựng, phê duyệt, ban hành, định hướng chương trình kiểm tra, kế hoạch kiểm tra; Tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và ban hành phương án kiểm tra đột xuất; Nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra và xử lý vu việc vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; Thẩm quyền, trình tự thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó:

            1. Về xây dựng, phê duyệt, ban hành, định hướng chương trình kiểm tra, kế hoạch kiểm tra.

  • Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác QLTT hoặc theo chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoặc cấp trên có thẩm quyền, Tổng cục QLTT có trách nhiệm xây dựng Định hướng chương trình kiểm tra của năm tiếp theo trình Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định phê duyệt trước ngày 15/11 hằng năm. Đối với kế hoạch kiểm tra của Cục Nghiệp vụ và Cục cấp tỉnh bao gồm Kế hoạch kiểm tra định kỳ (thời gian thực hiện từ ngày 1/1 và kết thúc trước ngày 15/11 của năm kiểm tra) và Kế hoạch kiểm tra chuyên đề (được tổ chức thực hiện trong 1 khoảng thời gian cụ thể trong năm).

            2. Về tiếp nhận, xử lý thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật và ban hành phương án kiểm tra đột xuất.

  • Thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật gồm: Thông tin từ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cụ thể; Thông tin từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường được giao thực hiện các biện pháp nghiệp vụ quy định tại các điều 34, 35 và 36 của Thông tư này hoặc từ báo cáo của công chức Quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính;
  • Thông tin từ văn bản của cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp chuyển giao thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật; Thông tin từ văn bản yêu cầu, đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này; Thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật; Thông tin từ tin báo, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng hoặc của tổ chức, cá nhân khác về vi phạm pháp luật, dấu hiệu vi phạm pháp luật.
  • Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9, công chức Quản lý thị trường thu thập, tiếp nhận thông tin về vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại Điều 8 của Thông tư phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường trực tiếp của mình để xử lý thông tin đã tiếp nhận.

Quy định pháp luật về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và biện pháp nghiệp vụ Quản lý thị trường
Quy định pháp luật về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và biện pháp nghiệp vụ Quản lý thị trường.

            3.Về nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra

  • Việc kiểm tra phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra chỉ được ban hành quyết định kiểm tra khi có căn cứ quy định tại Điều 20 Pháp lệnh QLTT.
  • Nội dung kiểm tra của quyết định kiểm tra phải đúng phạm vi kiểm tra; đúng thẩm quyền, địa bàn hoặc lĩnh vực kiểm tra được giao; đúng đối tượng.
  • Trường hợp hoạt động kiểm tra đối với cùng một đối tượng được kiểm tra phải thực hiện tại nhiều địa điểm khác nhau, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra có thể ban hành một hoặc nhiều quyết định kiểm tra, hoặc có văn bản chỉ đạo người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra cấp dưới của mình ban hành quyết định kiểm tra đối với đối tượng được kiểm tra tại từng địa phương điểm kiểm tra thuộc địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công.
  • Thành phần đoàn kiểm tra gồm trưởng đoàn kiểm tra là công chức QLTT, phải có thẻ kiểm tra thị trường; công chức QLTT; người được cơ quan phối hợp cử tham gia đối với việc kiểm tra có nội dung liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ QLTT của nhiều ngành, lĩnh vực theo quy định.
  • Khi bắt đầu tiến hành kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải tiến hành các thủ tục sau: xuất trình thẻ kiểm tra thị trường; công bố và giao quyết định kiểm tra cho cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra; thông báo cho cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm ra về thành phần đoàn kiểm tra và người chứng kiến (nếu có) và yêu cầu cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra chấp hành quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền và làm việc với đoàn kiểm tra. Trong trường hợp cá nhân được kiểm tra hoặc người đại diện của tổ chức, cá nhân được kiểm tra không có mặt tại nơi kiểm tra thì đoàn kiểm tra vẫn công bố quyết định kiểm tra và tiến hành việc kiểm tra trước sự có mặt của đại diện ủy ban nhân dân cấp xã hoặc đại diện cơ quan công an cấp xã và người chứng kiến.
  • Đối với việc xử lý nội dung phát sinh ngoài nội dung ghi trong quyết định kiểm tra thì trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo, đề xuất người ban hành quyết định kiểm tra sửa đổi, bổ sung quyết định kiểm tra đã được ban hành. Đoàn kiểm tra chỉ được tiến hành kiểm tra đối với nội dung (phát sinh) có dấu hiệu vi phạm pháp luật sau khi có quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra.
  • Về lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính, trường hợp kết quả các nội dung kiểm tra đều chấp hành đúng pháp luật thì đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả kiểm tra. Trường hợp kết quả phát hiện vi phạm hành chính thì đoàn kiểm tra lập biên bản kiểm tra ghi nhận kết quả kiểm tra; lập biên bản vi phạm hành chính hoặc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản nếu thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức đối với vi phạm hành chính đã phát hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
  • Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo, đề xuất xử lý kết quả kiểm tra bằng văn bản kèm theo hồ sơ vụ việc kiểm tra đến người ban hành quyết định kiểm tra để xử lý kết quả kiểm tra.
  • Đối với vụ việc vi phạm hành chính do QLTT kiểm tra phát hiện hoặc chủ trì kiểm tra phát hiện nhưng xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển giao ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
  • Cơ quan Quản lý thị trường chỉ tiếp nhận, thụ lý vụ việc vi phạm hành chính do cơ quan nhà nước khác chuyển giao trong trường hợp xét thấy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt của lực lượng Quản lý thị trường.

             4. Về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

  • Căn cứ kết quả kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra quyết định áp dụng theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

            5. Về thẩm quyền, trình tự thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

  • Lực lượng Quản lý thị trường quản lý theo địa bàn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại. Thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin. Giám sát hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Xây dựng cơ sở cung cấp thông tin.
  • Lực lượng Quản lý thị trường được sử dụng người không thuộc biên chế, có khả năng, điều kiện tham gia làm cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin, đầu mối liên hệ để thường xuyên cung cấp nguồn thông tin phục vụ cho hoạt động của Quản lý thị trường…/.

Tham khảo thêm bài viết:
Không nộp thuế thu nhập cá nhân có bị phạt.
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở Hàn Quốc và những câu hỏi thường gặp.

Các trường hợp cấp chứng từ thuế thu nhập cá nhân.
Vai trò của thuế thu nhập cá nhân.

Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.