Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm

Phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm

19/03/2022


PHÂN BIỆT VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ TỘI PHẠM

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Vi phạm hành chính là gì? Dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính.

2. Tội phạm là gì? Dấu hiệu cấu thành tội phạm.

3. Chế tài xử phạt.

  Một số hành vi vi phạm rất khó để xác định là vi phạm hành chính và tội phạm. Vì vi phạm hành chính và tội phạm đều là các hành vi vi phạm trái pháp luật, gây ra hậu quả cho xã hội. Như vậy, vi phạm hành chính và tội phạm khác nhau như thế nào, hình thức phạt như thế nào?  Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính

Dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính (ảnh minh họa)

1. Vi phạm hành chính là gì? Dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính

  • Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi có lỗi, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phạm là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải vị xử phạt vi phạm hành chính thì được gọi là vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
  • Dấu hiệu cấu thành vi phạm hành chính là:
  • Về chủ thể: Người từ đủ 16 tuổi trở lên, tổ chức thì bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính do cố ý.
  • Về khách thể: quan hệ xã hội quy phạm pháp luật hành chính bảo vệ như quy tắc về an toàn giao thông, an ninh trật tự,...
  • Về mặt chủ quan:
  • Lỗi cố ý: chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có đủ nhận thức, nhận thấy hậu quả, mong muốn điều đó xảy ra và có năng lực điều khiển hành vi.
  • Lỗi vô ý: chủ thể thực hiện hành vi vi phạm có đủ nhận thức và có năng lực điều khiển hành vi nhưng không nhận thấy hậu quả xảy ra vì thiếu thận trọng.
  • Về mặt khách quan: Mức độ thiệt hại, công cụ thực hiện, phương tiện thực hiện, mức độ tái phạm là những yếu tố để xác định vi phạm hành chính và các dấu hiệu vi phạm hành chính thấp hơn tội phạm, mức độ thiệt hại của vi phạm hành chính cũng thấp hơn tội phạm gây ra.

Dấu hiệu cấu thành tội phạm

Dấu hiệu cấu thành tội phạm (ảnh minh họa)

2. Tội phạm là gì? Dấu hiệu cấu thành tội phạm

  • Theo Điều 8 Bộ luật Hình sự thì tội phạm là hành vi nguy hiểm xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, được thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại, xâm phạm đến quyền con người; quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của tổ chức; chế độ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, nền văn hóa, trật tự, an toàn xã hội; độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc và lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự.
  • Dấu hiệu cấu thành tội phạm là:
  • Về chủ thể: là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật Hình sự quy định hành vi đó là tội phạm.
  • Người từ đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
  • Pháp nhân thì chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm do Bộ luật Hình sự quy định.
  • Về khách thể: các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ như sức khỏe, tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm,...
  • Về mặt chủ quan:
  • Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội thực hiện hành vi nhận thức rõ được hành vi đó là gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả và mong muốn điều đó xảy ra.
  • Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội thực hiện hành vi nhận thức rõ được hành vi đó là gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
  • Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội thực hiện hành vi nhận thức rõ được hành vi đó là gây nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
  • Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội thực hiện hành vi không nhận thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội do mình gây ra mặc dù cẩn phải thấy trước hậu quả đó.
  • Về mặt khách quan: sử dụng các phương tiện, công cụ gây án, thủ đoạn thực hiện hành vi tội phạm, địa điểm, thời gian phạm tội là những cơ sở dấu hiệu khách quan. Hành vi gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội.

3. Chế tài xử phạt

  • Xử lý vi phạm hành chính:
  • Theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi năm 2020 quy định như sau:

-Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; trục xuất.

Trong đó, phạt cảnh cáo và phạt tiền được áp dụng là hình thức xử phạt chính. Còn lại được áp dụng là hình thức xử phạt chính hoặc xử phạt bổ sung.

-Về nguyên tắc áp dụng hình phạt: Mỗi vi phạm hành chính được quy định một hình thức xử phạt chính, có thể quy định một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung kèm theo.

Hình thức xử phạt bổ sung được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính, trừ các trường hợp quy định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

  • Xử lý hình sự

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định tại Bộ luật Hình sự, do Tòa án quyết định áp dụng đối với cá nhân hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội, pháp nhân thương mại phạm tội.

  • Các hình phạt đối với cá nhân phạm tội theo Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
  • Hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn; tù chung thân; trục xuất; tử hình.
  • Hình phạt bổ sung bao gồm: cấm nơi cư trú; tịch thu tài sản; quản chế; tước một số quyền công dân; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính); cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
  • Nguyên tắc áp dụng hình phạt: mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung.
  • Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
  • Hình phạt chính bao gồm: phạt tiền; đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
  • Hình phạt bổ sung bao gồm: cấm huy động vốn; cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).
  • Nguyên tắc áp dụng hình phạt: mỗi tội phạm, pháp nhân thương mại phạm tội chỉ được áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình phạt bổ sung.

Xem thêm:

Yêu cầu về tính hợp pháp, hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính do các chủ thể có thẩm quyền ban hành.
Phạm tội nhiều lần là gì? Quy định về phạm tội nhiều lần?

Định tội danh giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích.
Chế định miễn trách nhiệm hình sự.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Phân biệt vi phạm hành chính và tội phạm của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.