Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những lưu ý về điều khoản "Giải quyết tranh chấp" trong hợp đồng thương mại

Những lưu ý về điều khoản "Giải quyết tranh chấp" trong hợp đồng thương mại

28/01/2022


NHỮNG LƯU Ý VỀ ĐIỀU KHOẢN
"GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP" TRONG HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI

Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại

Hình 1. Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại

  Giải quyết tranh chấp là một trong những điều khoản cơ bản của hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng. Bài viết dưới đây, Luật Thịnh Trí sẽ cung cấp những thông tin cụ thể hơn về điều khoản này.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hợp đồng thương mại là gì?

2. Điều khoản giải quyết tranh chấp là gì?

3. Cần lưu ý những gì về điều khoản giải quyết tranh chấp trọng tài trong hợp đồng thương mại.

4. Có thể lựa chọn cả Trọng tài thương mại và Tòa án giải quyết tranh chấp hay không?

1. Hợp đồng thương mại là gì?

  • Hiện nay, hợp đồng thương mại là một trong những loại hợp đồng được sử dụng phổ biến nhất. Hợp đồng này được ký kết bởi các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư dựa trên sự thỏa thuận và ý chí tự nguyện. Hợp đồng thương mại có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói, bằng văn bản hoặc các hình thức khác,… tùy thuộc vào ý chí cũng như sự thỏa thuận của các bên.
  • Nội dung của hợp đồng thương mại thể hiện sự ràng buộc các quyền và nghĩa vụ của các bên về việc thực hiện các công việc như: sản xuất, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, các thỏa thuận khác có mục đích kinh doanh và giá cả, phương thức thanh toán đối với các công việc đó.

2. Điều khoản giải quyết tranh chấp là gì?

  • Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại là một trong những điều khoản cơ bản, quy định về phương pháp giải quyết khi các bên có phát sinh các tranh chấp. Đây cũng là điều khoản bắt buộc đóng vai trò rất quan trọng và thường nằm ở vị trí gần cuối trong nội dung hợp đồng.
  • Cụ thể, điều khoản này chứa đựng nhiều phương thức giải quyết tranh chấp như:
  • Sự thương lượng, thỏa thuận giữa các bên;
  • Khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền;
  • Yêu cầu Trọng tài thương mại...
  • Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương thức giải quyết bằng Trọng tài thương mại còn chưa được phổ biến hoặc bị phớt lờ trong các hợp đồng thương mại vừa và nhỏ. Điều này dẫn đến những bất lợi phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp sau này.

3. Cần lưu ý những gì về điều khoản giải quyết tranh chấp trọng tài trong hợp đồng thương mại

  • Thông thường, trong quá trình đàm phán và ký kết các hợp đồng thương mại, các bên chỉ chú trọng vào nội dung công việc, giá cả, thời gian giải quyết công việc và các phương thức thanh toán mà không để ý nhiều đến điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng.
  • Khi phát sinh tranh chấp các bên mới xem lại điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, đến lúc này các điều khoản lúc ký kết không được thể hiện rõ ràng dẫn đến quá trình giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn cho cả đôi bên.
  • Chính vì vậy, để dự trù và hạn chế được những vấn đề nêu trên, khi ký kết hợp đồng thương mại các bên cần chú tâm xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp sao cho phù hợp và lưu ý những điều sau:
  • Một là, điều khoản cần thể hiện rõ nếu có tranh chấp thì sẽ lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp nào.
  • Hai là, các bên cần thỏa thuận về thứ tự ưu tiên của các phương án giải quyết tranh chấp. Ví dụ: Ưu tiên giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài thương mại.
  • Ba là, trường hợp các bên lựa chọn phương thức giải quyết là Trọng tài thương mại thì nên xác định rõ tổ chức trọng tài nào, địa điểm, phân định chi phí, cam kết của các bên, …

4. Có thể lựa chọn cả Trọng tài thương mại và Tòa án giải quyết tranh chấp hay không?

 Có thể lựa chọn cả Trọng tài thương mại và Tòa án giải quyết tranh chấp hay không?

Hình 2. Có thể lựa chọn cả Trọng tài thương mại và Tòa án giải quyết tranh chấp hay không?

  • Thực tiễn hiện nay cho thấy việc các bên trong hợp đồng thương mại thỏa thuận lựa chọn một trong hai phương thức là yêu cầu Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện ra Tòa án là điều xảy ra khá phổ biến.
  • Như vậy, vấn đề đặt ra là pháp luật có cho phép các bên trong hợp đồng vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án không? Và nếu khi phát sinh tranh chấp, một bên yêu cầu khởi kiện ra Tòa án, bên còn lại yêu cầu giải quyết bằng Trọng tài thương mại thì sẽ được giải quyết như thế nào?
  • Hiện nay, những thắc mắc này đã được các nhà làm luật quy định rất minh thị để có thể áp dụng trên thực tiễn một cách hợp lý nhất. Cụ thể như sau:
  • Điều khoản giải quyết tranh chấp trong hợp đồng kinh tế do các bên thỏa thuận. Việc đưa cả hai con đường giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại và Tòa án vào điều khoản giải quyết tranh chấp là không trái với quy định của pháp luật hiện hành.
  • Trong trường hợp một bên khởi kiện ra Tòa án, bên còn lại yêu cầu Trọng tài thương mại thì pháp luật có quy định theo hướng ưu tiên Trọng tài thương mại. Cụ thể, trường hợp một trong các bên yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.
  • Nếu tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước đó thì Tòa án từ chối thụ lý vụ án theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010;
  • Nếu tranh chấp chưa có yêu cầu Trọng tài giải quyết thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
  • Như vậy, pháp luật đã gián tiếp thừa nhận thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại trong trường hợp một bên khởi kiện ra Tòa án, bên còn lại yêu cầu Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp.

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Những vấn đề cần biết về việc ủy quyền.

Hợp đồng vay tài sản.
Hợp đồng mượn tài sản.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về những lưu ý về điều khoản “giải quyết tranh chấp” trong hợp đồng thương mại. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực thương mại theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí