Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những hành vi bị cấm tại Luật Doanh nghiệp 2020

Những hành vi bị cấm tại Luật Doanh nghiệp 2020

12/11/2020


NHỮNG HÀNH VI BỊ CẤM
TẠI LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

Đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

7 NHÓM HÀNH VI BỊ CẤM

Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm:

1. Cấp hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, yêu cầu người thành lập DN nộp thêm giấy tờ khác trái với quy định của luật này; gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập DN và việc kinh doanh của DN.

2. Ngăn cản chủ sở hữu, thành viên, cổ đông của DN thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của luật này và điều lệ công ty.

3. Kinh doanh dưới hình thức DN mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký thành lập  DN hoặc DN đang bị tạm dừng kinh doanh.

4. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký DN và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN.

5. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

6. Kinh doanh các ngành, cấm kinh doanh; kinh doanh ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; kinh doanh nghành, nghề có điều kiện khi chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật hoặc không bảo đảm duy trì đủ điều kiện đầu tư kinh doanh trong quá trình hoạt động.

7. Lừa đảo, rửa tiền, tài trợ khủng bố. Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 giữ nguyên 7 nhóm hành vi bị cấm và có bồ sung một số nội dung như cấm DN đang bị tạm dừng hoạt động kinh doanh; cấm kinh doanh nghành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý nhất ở nhóm hành vi số 7, Luật Doanh nghiệp mới nghiêm cấm DN tài trợ khủng bố. Đây là lần đầu tiên hành vi này được quy định cụ thể tại một bộ luật chuyên ngành. Hiện tại tài trỡ khủng bố là hành vi phạm tội đã được quy định cụ thể ở các văn bản luật khác như Bộ Luật Hình sự.

Đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp:

Đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp
Đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Khoản 1,2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý DN quy định.

1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam theo quy định của luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 17 của luật này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam:

a/ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập DN kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

b/ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

c/ Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đôi nhân dân Việt Nam, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN khác.

d/ Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân.

e/ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập DN phải nộp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

g/ Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

Theo đó, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trừ 7 trường hợp như đã liệt kê tại khoản 2, Điều 17 nêu trên. So với Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý DN, gồm cá nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam ( trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN ), người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tổ chức là pháp nhân thương mại bi cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ Luật Hình sự.

Việc sửa đổi như trên là phù hợp với thực tế trong một số DN nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, ở đó, một số sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đảm nhiệm một số vị trí quản lý mặc dù không phải là người đại diện phần vốn đồng thời đảm bảo tương thích với Bộ Luật Dân sự. Theo đó, bổ sung thêm đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp:

Khoản 3, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của luật này, trừ trường hợp sau đây:

a/ Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào DN để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.

b/ Đối tượng không được góp vốn vào DN theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chóng tham nhũng.

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định không phải mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh mà hạn chế đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào DN để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; hạn chế đối với cán bộ, công chức, viên chức là đối tượng không được góp vốn vào DN theo Luật Cán bộ, Luật Viên chức, Luật Phòng, chóng tham nhũng.

( Trích từ tập sách 145 câu hỏi đáp Luật Doanh nghiệp 2020 của nhóm tác giả TS. Trần Viết Long, TS. Nguyễn Vinh Huy, LS. Nguyễn Văn Tứ )

Xem thêm:
Tư vấn về 3 loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay.
Có nên thành lập thành lập doanh nghiệp tư nhân?
Nên thành lập công ty cổ phần hay công ty TNHH 2 thành viên?
Một số lưu ý khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

   Nếu còn điều gì còn thắc mắc hay cần hỗ trợ, hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua Hotline 1800 6365 để chuyên viên kịp thời tư vấn, giải quyết vấn đề pháp lý.