NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ
TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Hình 1. Tặng cho quyền sử dụng đất
Hiện nay, các giao dịch liên quan đến tài sản của chủ sở hữu ngày càng được mở rộng, trong đó phải kể đến các giao dịch liên quan đến đất đai. Bên cạnh các hình thức chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, góp vốn thì tặng cho quyền sử dụng đất cũng là hình thức được sử dụng ngày càng phổ biến. Pháp luật hiện hành đã có những quy định riêng biệt về hình thức giao dịch này.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Tặng cho quyền sử dụng đất là gì?
2. Điều kiện để tặng cho quyền sử dụng đất.
3. Trình tự, thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất.
- Tặng cho quyền sử dụng đất là một dạng tặng cho tài sản, theo đó bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất của mình cho bên được tặng cho mà không yêu cầu bên được tặng cho trả lại cho mình bất kỳ lợi ích nào, điều này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận của các bên và được thể hiện bằng hợp đồng tặng cho (Điều 457 BLDS 2015).
- Mặc dù hợp đồng tặng cho không có tính chất đền bù ngang giá, nhưng bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho, đây gọi là hợp đồng tặng cho có điều kiện. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực và có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất. Trường hợp đất được tặng cho thuộc quyền sử dụng của nhiều người thì cần phải lưu ý hai điều sau đây:
- Nếu đất được tặng cho thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì trong hợp đồng tặng cho phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định pháp luật dân sự ký tên;
- Nếu đất được tặng cho thuộc quyền sử dụng của nhóm người thì phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.
Tặng cho quyền sử dụng đất là một giao dịch đặc thù trong lĩnh vực đất đai, không phải lúc nào cũng có thể thực hiện. Để tặng cho quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Thứ nhất, đất được tặng cho phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là điều kiện tiên quyết nhất khi thực hiện giao dịch tặng cho. Bởi lẽ, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất của người tặng cho. Tuy nhiên, pháp luật có ghi nhận hai trường hợp sau đây vẫn được quyền tặng cho dù chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
- Người tặng cho là người có đất thông qua thừa kế mặc dù có đủ điều kiện nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đối với đất.
- Người tặng cho là người nhận được đất thông qua thừa kế nhưng họ thuộc trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận theo quy định như người Việt Nam nhưng định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài theo quy định không được mua nhà gắn với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
- Thứ hai, đất được tặng cho không có tranh chấp. Đây là điều kiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên cũng như tránh việc phát sinh các tranh chấp, kiện tụng sau này.
- Thứ ba, quyền sử dụng đất không thuộc trường hợp đang bị kê biên thi hành án. Khi đất được xác định kê biên để đảm bảo cho việc thi hành các bản án, quyết định thì không thể thực hiện tặng cho.
- Thứ tư, đất được tặng cho phải còn trong thời gian sử dụng theo quy định của pháp luật. Đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê có thời hạn thì khi hết thời hạn này, quyền sử dụng đất của người được giao hoặc cho thuê cũng sẽ chấm dứt. Do đó, bắt buộc nếu họ muốn thực hiện việc tặng cho thì chỉ được thực hiện khi đất còn trong thời gian sử dụng.
- Ngoài các điều kiện nêu trên thì khi tặng cho quyền sử dụng đất cần phải lưu ý một số điều kiện cụ thể như sau:
- Phải đảm bảo đây là những trường hợp pháp luật cho phép tặng cho.
- Đối với đất tặng cho là đất trồng lúa cần lưu ý bên nhận tặng cho phải là cá nhân hoặc hộ gia đình có trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp.
- Đối với đất ở hay đất nông nghiệp nằm trong phạm vi rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (phân khu bảo vệ, phục hồi sinh thái) chỉ được tặng cho cho người sinh sống trong khu vực này.
Hình 2. Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất
Khi thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất, bên tặng cho và bên nhận tặng cho quyền sử dụng đất cần thực hiện các thủ tục theo trình tự các bước sau:
- Bước 1: Hai bên thực hiện giao kết hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
- Bước 2: Công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
- Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Hồ sơ công chứng gồm các giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng;
- Dự thảo hợp đồng tặng cho (các bên soạn trước); nhưng thông thường các bên ra tổ chức công chứng và đề nghị soạn thảo hợp đồng tặng cho;
- Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của các bên, Sổ hộ khẩu;
- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng tặng cho:
- Tùy tình trạng hôn nhân của người yêu cầu công chứng thì cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; quyết định ly hôn; văn bản cam kết về tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi đăng ký kết hôn.
- Giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản riêng: Di chúc, văn bản khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hợp đồng tặng cho, văn bản cam kết về tài sản, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung.
- Bước 3: Khai thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ
- Về thuế thu nhập cá nhân: Thu nhập từ việc nhận tặng cho đối với quyền sử dụng đất được xác định là một trong những thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Thuế suất được áp dụng để tính thuế trong trường hợp này là 10% giá trị tài sản.
- Về lệ phí trước bạ: Khi tiến hành thủ tục sang tên quyền sử dụng đất từ nhận tặng cho, lệ phí trước bạ được xác định là 0,5% giá trị của tài sản (xác định theo Bảng giá đất của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi có đất).
- Tuy nhiên, bên nhận tặng cho quyền sử dụng đất có thể được miễn thuế và lệ phí trước bạ ở trên nếu như họ nhận được tài sản từ chính vợ hoặc chồng, cha mẹ (gồm cả cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ hay cha mẹ chồng), con cái (gồm con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể), ông bà (nội, ngoại), cháu (cháu nội, cháu ngoại) hay từ chính các anh, chị, em ruột của mình.
- Bước 4: Thực hiện thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận tặng cho
- Sau khi hoàn tất hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, người nhận tặng cho có thể thực hiện thủ tục sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai.
- Nếu như đa số các giao dịch dân sự đều mang tính chất trao đổi bằng tiền hoặc bằng các lợi ích vật chất khác thì tặng cho quyền sử dụng đất không nhằm mục đích trao đổi giá trị. Điều này chính là điểm đặc biệt của tặng cho quyền sử dụng đất nói riêng và hợp đồng tặng cho tài sản nói chung. Tặng cho quyền sử dụng đất được hình thành và xây dựng trên cơ sở quan hệ tình cảm giữa con người với nhau, xuất phát từ mối quan hệ tình cảm, con người tặng cho nhau quyền sử dụng đất để khai thác, sử dụng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh và trong sinh hoạt hàng ngày.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
➤ Những vấn đề liên quan khi xin cấp giấy chứng nhận chủ “quyền nhà đất”.
➤ Những vấn đề cần lưu ý khi ký kết Hợp đồng đặt cọc.
➤ Có được hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng?
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về tặng cho quyền sử dụng đất. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các hồ sơ, thủ tục cũng như các vấn đề khác liên quan đến đất đai theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: Luật Thịnh Trí