Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Những điều cần biết trước khi thành lập công ty

Những điều cần biết trước khi thành lập công ty

24/11/2021


NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
TRƯỚC KHI THÀNH LẬP CÔNG TY

Ở phạm vi bài viết này, Luật Thịnh Trí sẽ đề cập đến những quy định quan trọng mà những người có ý định thành lập công ty cần hiểu rõ.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Ai được quyền và không được quyền thành lập công ty?

2. Lựa chọn công ty.

3. Đặt tên công ty.

4. Ngành nghề kinh doanh.

5. Vốn pháp định để thành lập công ty.

Những điều cần biết trước khi thành lập công ty (ảnh minh họa)
Những điều cần biết trước khi thành lập công ty (ảnh minh họa)

  Thành lập công ty là việc hết sức quan trọng đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh. Khi đã quyết định lựa chọn thành lập công ty nhà đầu tư cần phải lưu ý những vấn đề sau:

1. Ai được quyền và không được quyền thành lập công ty?

  • Pháp luật về doanh nghiệp đã quy định rõ những đối tượng được và không được phép thành lập công ty. Theo đó, tổ chức, cá nhân có quyền thành lập công ty tại Việt Nam, trừ những trường hợp sau:
  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập công ty kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại công ty khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và các trường hợp khác.
  • Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định.

2. Lựa chọn công ty

    Hiện nay, có 5 loại hình công ty để lựa chọn cho việc kinh doanh, cụ thể như sau:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Công ty cổ phần
  • Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:
  • Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;
  • Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;
  • Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;
  • Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định khác.
  • Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Công ty hợp danh
  • Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
    • Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
    • Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
  • Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
  • Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp tư nhân
  • Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
  • Ngoài ra, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

3. Đặt tên công ty

    Tên công ty là thứ mà cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị trước khi thành lập. Tên công ty phải bao gồm 02 thành tố theo thứ tự gồm:

  • Loại hình:
  • Loại hình được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh;
  • Tên riêng:
  • Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
  • Ví dụ: Công ty TNHH Vĩnh Phát, Công ty cổ phần SUNRISE
  • Ngoài ra, khi đặt  tên công ty cần chú ý không vi phạm các điều cấm sau đây:
  • Đặt tên trùng với tên của công ty đã đăng ký, cụ thể: Tên trùng là tên tiếng Việt của công ty đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của công ty đã đăng ký.
  • Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của công ty, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
  • Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4. Ngành nghề kinh doanh

  • Theo quy định, công ty có quyền kinh doanh bất cứ ngành nghề nào pháp luật không cấm và cần đăng ký với cơ quan Đăng ký kinh doanh trước khi hoạt động.
  • Trước khi thành lập, cá nhân, tổ chức cần lưu ý xem ngành nghề mình dự định kinh doanh có thuộc danh sách ngành bị cấm hay kinh doanh có điều kiện hay không để thực hiện quá trình kinh doanh đúng quy định của pháp luật.
  • Đối với ngành nghề kinh doanh bị cấm
  • Hiện nay, ngành nghề kinh doanh bị cấm được quy định rất cụ thể đó là:
  • Kinh doanh các chất ma túy;
  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật;
  • Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
  • Kinh doanh mại dâm;
  • Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;...
  • Do đó, công ty không được phép kinh doanh những ngành nghề bị cấm. Nếu thực hiện sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
  • Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
  • Theo quy định tại Luật Đầu tư 2020, những ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm:
  • Sản xuất con dấu
  • Kinh doanh công cụ hỗ trợ (bao gồm cả sửa chữa)
  • Kinh doanh các loại pháo, trừ pháo nổ
  • Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị
  • Kinh doanh súng bắn sơn
  • Kinh doanh quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng
  • Kinh doanh dịch vụ cầm đồ
  • Kinh doanh dịch vụ xoa bóp
  • Kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên
  • Kinh doanh dịch vụ bảo vệ...
  • Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.

5. Vốn pháp định để thành lập công ty:

Vốn pháp định để thành lập công ty
Vốn pháp định để thành lập công ty

  • Vốn pháp định công ty là mức vốn tối thiểu mà công ty phải có đủ theo quy định của pháp luật đối với ngành kinh doanh có điều kiện tương ứng về vốn để thành lập công ty.
  • Nghĩa là là khi công ty đăng ký một ngành nghề mà nằm trong danh sách ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì theo quy định của pháp luật cần có đủ số vốn theo quy định từng ngành nghề kinh doanh bên dưới thì doanh nghiệp mới có đủ điều kiện hoạt động. Trường hợp không đáp ứng được điều kiện này thì không được phép thành lập công ty.
  • Ví dụ:
  • Kinh doanh bất động sản: 20 tỷ đồng
  • Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 5 tỷ đồng
  • Cho thuê lại lao động: 2 tỷ đồng
  • Kinh doanh dịch vụ kiểm toán: 6 tỷ đồng...

Xem thêm:
Tư vấn về 3 loại hình doanh nghiệp phổ biến hiện nay.
Có nên thành lập thành lập doanh nghiệp tư nhân?
Nên thành lập công ty cổ phần hay công ty TNHH 2 thành viên?
Một số lưu ý khi chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

  • Trên đây là nội dung Những điều cần biết trước khi thành lập công ty Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.