Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Người chưa đủ 14 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người không?

Người chưa đủ 14 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người không?

15/02/2022


NGƯỜI CHƯA ĐỦ 14 TUỔI CÓ PHẢI CHỊU
TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI KHÔNG?

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định về tội giết người.

2. Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người.

3. Biện pháp xử lý người chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi giết người.

  Trong thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn xã hội có chiều hướng ngày càng gia tăng, có nhiều trường hợp dẫn đến chết người, gây ra những hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người. Do đó, việc trừng trị người phạm tội, răn đe, giáo dục, phòng ngừa về hành vi giết người đối với lứa tuổi thanh thiếu niên là rất cần thiết… Bài viết sau đây sẽ phân tích về chế tài xử lý đối với tội giết người khi chưa đủ 14 tuổi.

 Người chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi giết người

Người chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi giết người (ảnh minh họa)

1. Quy định về tội giết người

  • Theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người nào thực hiện hành vi sau đây:
  • Giết người dưới 16 tuổi;
  • Giết người vì lý do công vụ của nạn nhân hoặc giết người đang thi hành công vụ;
  • Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
  • Giết phụ nữ mà biết là có thai;
  • Giết người mà liền trước đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng/tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc giết người ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng;
  • Giết 02 người trở lên;
  • Giết người vì động cơ đê hèn.
  • Giết người để che giấu tội phạm khác hoặc giết người để thực hiện tội phạm khác;
  • Thực hiện giết người một cách man rợ;
  • Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
  • Giết người có tổ chức;
  • Giết người có tính chất côn đồ;
  • Lợi dụng nghề nghiệp để giết người;
  • Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
  • Giết người tái phạm nguy hiểm;
  • Thuê giết người hoặc giết người thuê;
  • Hậu quả pháp lý hình sự:
  1. Người nào thực hiện hành vi giết người thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;
  2. Người chuẩn bị phạm tội giết người thuộc một trong các trường hợp nêu trên bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  3. Trường hợp người thực hiện hành vi giết người không thuộc các trường hợp nêu trên thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
  • Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm; cấm làm công việc nhất định hoặc cấm hành nghề từ 01 năm đến 05 năm.

2. Quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với tội giết người

  • Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định như sau:
  • Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đội đặc biệt nghiêm trọng là tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội hiếp dâm; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm; tội giết người; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội mua bán người; tội mua bán người dưới 16 tuổi; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy; tội cưỡng đoạt tài sản; tội cướp tài sản; tội cướp giật tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tội trộm cắp tài sản; tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; tội tổ chức đua xe trái phép; tội đua xe trái phép; tội khủng bố; tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia;tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, phương tiện điện tử, mạng máy tính; tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng viễn thông, phương tiện điện tử, mạng máy tính; tội xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, phương tiện điện tử, mạng máy tính của người khác; tội sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử, mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; tội chế tạo,  tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
  • Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
  • Như vậy, tuổi chịu trách nhiệm hình sự của tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.
  • Từ cơ sở trên, cho thấy người chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định khung hình phạt đối với người chưa đủ 14 tuổi.

 Biện pháp xử lý người chưa đủ 14 tuổi phạm tội

Biện pháp xử lý người chưa đủ 14 tuổi phạm tội (ảnh minh họa)

3. Biện pháp xử lý người chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi giết người

  • Người chưa đủ 14 tuổi thực hiện hành vi giết người nhưng không thể xử lý hình sự vì không đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, đối với người chưa đủ 14 tuổi phạm tội giết người chỉ có thể áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như sau:
  • Theo Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn khi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự. Trường hợp người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp này.
  • Thời hạn áp dụng biện pháp này là từ 03 tháng đến 06 tháng, mục đích để giáo dục, quản lý người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi tại nơi cư trú hoặc cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly đối tượng này khỏi cộng đồng.
  • Theo Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng khi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự.
  • Thời hạn áp dụng biện pháp này là từ 06 tháng đến 24 tháng, mục đích giúp người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự giáo dục, quản lý của nhà trường.
  • Các trường hợp như: người không có năng lực trách nhiệm hành chính; người đang mang thai; phụ nữ hoặc người duy nhất đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.
  • Trường hợp người từ đủ 12 tuổi đến 14 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người chưa đủ 12 tuổi phạm tội thì hiện nay không thể xử lý bằng hình thức hình sự cũng như áp dụng các biện pháp xử lý hành chính mà chỉ có thể giao gia đình giáo dục để trẻ em nhận ra hành vi sai trái của mình.
  • Trường hợp người chưa đủ 14 tuổi gây thiệt hại thì theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại của người chưa đủ 14 tuổi gây ra. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường thiệt hại mà con có tài sản riêng thì lấy tài sản riêng đó để bồi thường phần còn thiếu cho bên bị thiệt hại theo quy định pháp luật.

Xem thêm:

Định tội danh giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích.
Hình thức xử lý đối với hành vi cố ý giết người.
Chế định miễn trách nhiệm hình sự.

Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?.

  • Trên đây là nội dung người chưa đủ 14 tuổi có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người không của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.