Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Một số quy định về tranh chấp ranh giới đất đai

Một số quy định về tranh chấp ranh giới đất đai

02/07/2022


MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ
TRANH CHẤP RANH GIỚI ĐẤT ĐAI

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định về ranh giới thửa đất.

2.  Hướng dẫn xác định ranh giới thửa đất.

3.  Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai.

  • Tranh chấp phát sinh từ đất đai là một trong những loại tranh chấp khá phổ biến hiện nay. Nhiều trường hợp không xác định được chính xác ranh giới thửa đất khi phát sinh tranh chấp đất đai. Vì thế, việc xác định được ranh giới thửa đất được rất nhiều người quan tâm và khi phát sinh tranh chấp ranh giới đất đai thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn về các nội dung nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Ranh giới thửa đất là gì

Ranh giới thửa đất là gì? (Ảnh minh họa).

1. Quy định về ranh giới thửa đất:

  • Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT hướng dẫn đường gấp khúc tạo bởi các cạnh thửa nối liền, bao khép kín phần diện tích thuộc thửa đất đó gọi là ranh giới thửa đất.
  • Ranh giới thửa đất trong một số trường hợp đặc biệt như sau:
  • Cách xác định ranh, giới thửa đất trong trường hợp đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở là đường bao của toàn bộ diện tích đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở đó.
  • Cách xác định ranh giới thửa đất trong trường hợp đất ruộng bậc thang là đường bao ngoài cùng, thuộc phạm vi sử dụng của một người sử dụng đất hoặc một nhóm người cùng sử dụng đất, gồm các bậc thang liền kề có cùng mục đích sử dụng đất (không phân biệt theo các đường bờ chia cắt bậc thang bên trong khu đất tại thực địa).
  • Cách xác định ranh giới thửa đất trong trường hợp ranh giới thửa đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng là bờ thửa, đường rãnh nước dùng chung không thuộc thửa đất có độ rộng dưới 0,5m thì ranh giới theo đường tâm của đường bờ thửa, đường rãnh nước.
  • Ranh giới thửa đất được xác định theo mép của đường bờ thửa, đường rãnh nước đối với độ rộng đường bờ thửa, đường rãnh nước bằng hoặc lớn hơn 0,5m.
  • Như vậy, tùy theo thực trạng của từng loại đất mà có cách xác định ranh giới thửa đất khác nhau. Việc xác định ranh giới thửa đất có ý nghĩa quan trọng đối với người sử dụng đất nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người sử dụng đất trong quá trình sử dụng đất.

2.  Hướng dẫn xác định ranh giới thửa đất:

  1. Việc xác định ranh giới thửa đất được thực hiện theo khoản 1 Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT như sau:
  • Thứ nhất, trước khi đo vẽ chi tiết thì phải tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, việc này được thực hiện bởi cán bộ đo đạc; người sử dụng, quản lý đất liên quan; người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố...) để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất.
  • Thứ hai, căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất được xác định trên cơ sở Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập sau khi đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ.
  • Thứ ba, người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất theo yêu cầu, có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực.
  1. Căn cứ xác định ranh giới thửa đất:
  • Về ranh giới được quy định theo khoản 1 Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
  • Đối với các thửa đất liền kề thì ranh giới được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo thỏa thuận.
  • Đối với các thửa đất liền kề thì ranh giới cũng có thể được xác định theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp hoặc theo tập quán.
  • Về ranh giới chung thì mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì. Không được thay đổi, lấn, chiếm, mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, hào, rãnh, mương, bờ ruộng.
  • Ngoài quy định nêu trên thì căn cứ vào khoản 1 Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT xác định ranh giới như sau:
  • Việc xác định ranh, giới thửa đất theo theo kết quả về hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất
  • Đơn vị đo đạc có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản nếu đất đang có tranh chấp về ranh giới thửa đất cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có thửa đất để giải quyết.
  • Trong thời gian đo đạc ở địa phương mà xác định được ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý mặc dù đất đang tranh chấp chưa giải quyết xong thì đo đạc theo ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý đó; trường hợp ranh giới thực tế đang sử dụng, quản lý không thể xác định được thì được phép đo vẽ khoanh bao các thửa đất tranh chấp.
  • Đối với phần đất đang tranh chấp thì Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập bản mô tả thực trạng thành 02 bản, một bản gửi UBND cấp xã để thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiếp theo theo thẩm quyền, một bản lưu hồ sơ đo đạc.

  Thẩm quyền giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai (Ảnh minh họa).

3.  Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai:

  • Khi phát sinh tranh chấp ranh giới đất đai thì theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013, các bên sẽ tự hòa giải. Trường hợp các bên không thể tự hòa giải thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản để hòa giải.
  • Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thành lập Hội đồng tiến hành hòa giải sau khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai. Việc hòa giải được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu giải quyết tranh chấp ranh giới đất đai. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc hòa giải thành hoặc hòa giải không thành và gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.
  • Căn cứ vào kết quả hòa giải:
  • Trường hợp hòa giải thành mà có sự thay đổi hiện trạng về ranh giới, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi đến Phòng Tài nguyên và Môi trường biên bản hòa giải đối với trường hợp tranh chấp đất đai của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau. Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất trên cơ sở đề nghị trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
  • Trường hợp hòa giải không thành mà các bên đều có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân theo quy định tại khoản 1 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

Xem thêm:

Một số cách giải quyết tranh chấp đất đai bạn cần biết.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định mới.
Có được hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã công chứng?

Giải quyết tranh chấp đất đai chưa có sổ đỏ như thế nào?

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Một số quy định về tranh chấp ranh giới đất đai của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.