MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THỜI HẠN
MỞ PHIÊN TÒA XÉT XỬ SƠ THẨM HÌNH SỰ
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Quy định chung về xét xử sơ thẩm hình sự.
2. Thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự.
3. Trình tự chuẩn bị xét xử sơ thẩm hình sự.
4. Các trường hợp hoãn phiên tòa sơ thẩm hình sự.
Tòa án là nơi xét xử và giải quyết tranh chấp theo hai cấp là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Khi Tòa án có bản án, quyết định có hiệu lực thì bắt buộc phải thi hành. Như vậy thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự là bao lâu và cần phải chuẩn bị gì để mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự. Bài viết sau đây sẽ thông tin đến quý bạn đọc những thông tin thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
- Xét xử sơ thẩm hình sự là cấp tiến hành xét xử đầu tiên trong việc giải quyết vụ án hình sự, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xét xử sơ thẩm và ra bản án quyết định bị cáo có tội hay không có tội, hình phạt cho bị cáo, biện pháp tư pháp đối với bị cáo và các quyết định khác có liên quan theo quy định pháp luật trên cơ sở chứng cứ được kiểm tra công khai ngay tại phiên tòa. Bên cạnh đó, để giải quyết vụ án trong trường hợp cần thiết, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án được chuyển sang xét xử phúc thẩm.
Ảnh minh họa thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự
Thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự theo quy định tại Điều 277 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là:
- Kể từ ngày thụ lý vụ án, đối với vụ án về tội phạm ít nghiêm trọng thì trong thời hạn 30 ngày; đối với vụ án về tội phạm nghiêm trọng thì trong thời hạn 45 ngày; đối với vụ án về tội phạm rất nghiêm trọng thì trong thời hạn 02 tháng; đối với vụ án về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì trong thời hạn 03 tháng thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
- Quyết định đưa vụ án ra xét xử: khi có đủ căn cứ, cơ sở chứng minh về hành vi phạm tội và người thực hiện hành vi phạm tội sau quá trình điều tra.
- Quyết định tạm đình chỉ vụ án: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong số các trường hợp: bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo nếu có kết luận giám định tư pháp; chưa có kết quả yêu cầu giám định tài sản, yêu cầu tương trợ tư pháp nước ngoài, yêu cầu trưng cầu giám định nhưng đã hết thời hạn điều tra; hết thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu; chưa có kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị
- Quyết định đình chỉ vụ án: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong số các trường hợp: trước khi mở phiên tòa Viện kiểm sát yêu cầu rút toàn bộ quyết định truy tố; người khởi tố rút yêu cầu khởi tố; người thực hiện hành vi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; tội phạm được đại xá; hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có quyết định hoặc bản án của tòa có hiệu lực.
- Quyết định trả hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa trả hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung thuộc một trong các trường hợp: khi thiếu chứng cứ một vấn đề mà không thể bổ sung tại phiên tòa được theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; có căn cứ cho rằng bị can thực hiện hành vi khác ngoài hành vi mà Viện kiểm sát đã truy tố mà theo quy định của Bộ luật hình sự thì hành vi đó là tội phạm; có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm hoặc người khác thực hiện hành vi mà chưa bị khởi tố; phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố.
- Trường hợp vụ án có tính chất phức tạp thì Chánh án Tòa án có quyền quyết định việc gia hạn chuẩn bị xét xử và phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, như sau:
- Đối với tội ít nghiêm trọng: gia hạn không quá 15 ngày;
- Đối với tội nghiêm trọng: gia hạn không quá 15 ngày;
- Đối với tội rất nghiêm trọng: gia hạn không quá 30 ngày;
- Đối với tội đặc biệt nghiêm trọng: gia hạn không quá 30 ngày.
- Trường hợp Tòa án ra quyết định trả hồ sơ vụ án để yêu cầu điều tra bổ sung thì kể từ ngày nhận lại hồ sơ đã điều tra bổ sung, trong thời hạn 15 ngày Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xem xét ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Kể từ ngày Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, trong thời hạn 15 ngày, Tòa án phải mở phiên tòa; nếu có lý do trở ngại khách quan hoặc lý do bất khả kháng thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
- Lưu ý: Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải giải quyết một số yêu cầu, đề nghị như sau:
- Giải quyết yêu cầu của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người tham gia tố tụng có liên quan đến vụ án, người làm chứng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đến phiên tòa; về việc thay đổi Thư ký tòa án, thành viên Hội đồng xét xử;
- Giải quyết các đề nghị: đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế của bị cáo hoặc người bào chữa, người đại diện của bị cáo; xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc xét xử công khai hoặc xét xử kín theo đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng; đề nghị vắng mặt tại phiên tòa của người tham gia tố tụng.
- Bước 1: Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng, thụ lý vụ án.
- Bước 2: Trước khi mở phiên tòa phải giải quyết một số yêu cầu, đề nghị.
- Bước 3: Trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
- Bước 4: Triệu tập những người có liên quan vụ án đến phiên tòa để xét hỏi.
Ảnh minh họa các trường hợp hoãn phiên tòa sơ thẩm hình sự
- Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa theo Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trong các trường hợp sau:
- Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân.
- Thay đổi Kiểm sát viên.
- Không có Thẩm phán; Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi Thẩm phán mà không có Thẩm phán dự khuyết để thay thế.
- Kiểm sát viên dự khuyết không có mặt khi thay đổi Kiểm sát viên.
- Bị cáo vắng mặt có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan
- Người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
- Bị hại, đương sự, người đại diện hợp pháp vắng mặt thì tùy trường hợp do Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục phiên tòa hay hoãn phiên tòa.
- Người giám định, người định giá tài sản vắng mặt thì tùy từng trường hợp do Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục phiên tòa hay hoãn phiên tòa.
- Người dịch thuật, người phiên dịch vắng mặt không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa.
➤ Xem thêm:
➤ Hình phạt được quy định theo Bộ Luật Hình sự 2015.
➤ Quy định về phòng vệ chính đáng.
➤ Quy định chung về thi hành án hình sự.
➤ Chi phí tố tụng và Trách nhiệm chi trả chi phí tố tụng.
- Trên đây là nội dung Một số quy định về thời hạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.