Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Một số lưu ý về hậu quả của kết hôn cùng huyết thống mới nhất

Một số lưu ý về hậu quả của kết hôn cùng huyết thống mới nhất

11/02/2022


MỘT SỐ LƯU Ý VỀ HẬU QUẢ CỦA KẾT HÔN
CÙNG HUYẾT THỐNG MỚI NHẤT

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định kết hôn cùng huyết thống.

2. Nguyên nhân và hậu quả của việc kết hôn cùng huyết thống.

3. Chế tài xử lý đối với các trường hợp kết hôn cùng huyết thống.

  Tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thì tình trạng kết hôn cùng huyết thống diễn ra phổ biến. Người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận pháp luật nên chưa hiểu rõ về hậu quả của hôn nhân cùng huyết thống. Vậy nguyên nhân dẫn đến kết hôn cùng huyết thống và hậu quả kết hôn cùng huyết thống ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết về các điều nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Kết hôn cùng huyết thống

Kết hôn cùng huyết thống (ảnh minh họa)

1. Quy định kết hôn cùng huyết thống

  • Theo Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 hướng dẫn như sau:
  • -Người cùng dòng máu về trực hệ là người có quan hệ huyết thống, trong đó người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.
  • -Người có họ trong phạm vi ba đời là người có cùng nguồn gốc sinh ra gồm đời thứ nhất là cha mẹ; đời thứ hai là anh chị em cùng cha cùng mẹ, cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ; đời thứ ba là anh, chị, em con chú, con cô, con cậu, con dì, con bác.
  • -Người thân thích là người có cùng dòng máu về trực hệ, người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng và người có họ trong phạm vi ba đời.
  • Kết hôn cùng huyết thống là hai bên nam và nữ cùng họ hàng thân thuộc, có quan hệ huyết thống cận kề xác lập mối quan hệ vợ chồng.
  • Tuy nhiên, theo điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định cấm hành vi: Kết hôn với người cùng dòng máu về trực hệ hoặc sống chung như vợ chồng với người cùng dòng máu về trực hệ; kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng giữa cha chồng với con dâu, kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng giữa mẹ vợ với con rể, kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng giữa cha dượng với con riêng của vợ, kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng giữa mẹ kế với con riêng của chồng.
  • Như vậy, theo quy định pháp luật thì việc kết hôn cùng huyết thống là bị nghiêm cấm và trái pháp luật.

Hậu quả kết hôn cùng huyết thống

Hậu quả kết hôn cùng huyết thống (ảnh minh họa)

2. Nguyên nhân và hậu quả của việc kết hôn cùng huyết thống

  • Nguyên nhân dẫn đến kết hôn cùng huyết thống là:
  • Về khách quan: Tập tục lạc hậu của người đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn diễn ra, việc kết hôn cho hai bên gia đình sắp xếp cho rằng lấy người cùng họ hàng sẽ yêu thương nhau, của cải, ruộng đất không bị phân chia cho người khác... những khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, người dân hoạt động kinh tế chủ yếu là nương rẫy, thiếu công ăn việc làm dẫn đến có nhiều thời gian nhàn rỗi yêu đương và kết hôn.
  • Về chủ quan: Một bộ phận người dân nhận thức, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn nên không nhận thức được hậu quả của kết hôn cùng huyết thống. Công tác tuyên truyền về hậu quả của việc kết hôn cùng huyết thống chưa thường xuyên, chưa trọng điểm. Việc xử phạt vi phạm về kết hôn cùng huyết thống chưa mạnh để ngăn ngừa, răn đe.
  • Hậu quả của kết hôn cùng huyết thống:
  • Kết hôn cùng huyết thống dẫn đến nhiều hệ quả về nòi giống, sức khỏe cho cá nhân, gia đình và xã hội, Một số hậu quả của việc kết hôn cùng huyết thống:
  • Đối với cá nhân kết hôn cùng huyết thống có nguy cơ tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi, gây suy giảm sức khỏe.
  • Khi kết hôn cùng huyết thống, con sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, suy giảm sức khỏe như: bạch tạng, tan máu bẩm sinh, bệnh hồng cầu liềm, thiếu men G6PD, rối loạn chuyển hóa, bụng phình to, các bệnh dị dạng về xương, lùn, ốm yếu mù màu, thiểu năng trí tuệ, da vảy cá, nguy cơ cuộc sống tàn phế suốt đời, nguy cơ tử vong rất cao. Bên cạnh đó bệnh tiếp tục di truyền cho thế hệ sau làm suy thoái giống nòi.
  • Đối với xã hội: Gây ảnh hưởng đến nền văn hóa, đạo đức gia đình, mối quan hệ xã hội, thân thích, biến đổi giá trị truyền thống văn hóa. Kết hôn cùng huyết thông cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, tiến bộ văn minh, ảnh hưởng đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực. Hiện nay, tại các vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thì việc kết hôn cùng huyết thống diễn ra rất phổ biến, chi phí chăm sóc, điều trị các bệnh di truyền, bệnh tật đáng kể, để lại những hậu quả nặng nề, nghèo đói, thất học và chất lượng cuộc sống suy giảm.

3. Chế tài xử lý đối với các trường hợp kết hôn cùng huyết thống

  • Kết hôn cùng huyết thống là kết hôn trái pháp luật do đó sẽ bị hủy theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
  • Nếu thực hiện hành vi kết hôn cùng huyết thống thì tùy theo mức độ vi phạm và hành vi sẽ có hình thức xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp đã xử lý vi phạm hành chính nhưng vẫn vi phạm thì bị xử lý hình sự, như sau:
    • Xử lý vi phạm hành chính:
  • Hành vi kết hôn với người cùng dòng máu về trực hệ hoặc sống chung như vợ chồng với người cùng dòng máu về trực hệ; kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người có họ trong phạm vi ba đời bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, thi hành án dân sự.
    • Xử lý hình sự:
  • Theo Điều 184 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hướng dẫn về hành vi biết rõ người đó có cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha với mình mà thực hiện hành vi giao cấu thì bị xử lý về Tội loạn luân, mức phạt là bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Theo Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 hướng dẫn người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi (cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác) này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

Xem thêm:

Một số vấn đề liên quan đến việc kết hôn.
Những vấn đề cần biết về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Cách xác định tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Thủ tục ly hôn thuận tình với người nước ngoài.

  • Trên đây là nội dung Một số lưu ý về hậu quả của kết hôn cùng huyết thống của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.