MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BIỆN PHÁP
BẢO LƯU QUYỀN SỞ HỮU
Hình 1. Quy định về bảo lưu quyền sở hữu
“Anh X mua xe máy trả góp 12 tháng tại cửa hàng của tôi, nhằm đảm bảo anh X sẽ thực hiện thanh toán hàng tháng đúng như cam kết, tôi có thỏa thuận với anh A rằng khi nào X trả hết số tiền còn thiếu thì mới được quyền sở hữu xe máy. Liệu nội dung này có được pháp luật quy định hay không?” Ngày nay, khi giao kết hợp đồng mua bán, các bên thường đặt ra biện pháp bảo đảm nhằm hướng tới mục đích nâng cao trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ. Trong tình huống trên, các bên đã sử dụng kèm theo biện pháp bảo lưu quyền sở hữu, đây là biện pháp bảo đảm được pháp luật ghi nhận rất cụ thể về khái niệm, phương thức thực hiện cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Bảo lưu quyền sở hữu là gì?
2. Quy định về bảo lưu quyền sở hữu.
2.1. Hình thức của bảo lưu quyền sở hữu.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của các bên.
2.3. Đăng ký bảo lưu quyền sở hữu.
2.4. Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu.
- Trong quan hệ mua bán tài sản, nếu đối tượng là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, thì tài sản đó thuộc quyền sở hữu của bên mua từ khi đăng ký quyền sở hữu, nếu đối tượng là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu, thì bên mua trở thành chủ sở hữu khi bên bán chuyển giao tài sản.
- Tuy nhiên, không phải lúc nào tài sản mua bán cũng được thanh toán trong một lần duy nhất, mà các bên có thể thỏa thuận về việc mua trả chậm, trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Do đó, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán, bên bán có thể thỏa thuận với bên mua xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu.
- Như vậy, bảo lưu quyền sở hữu tài sản có thể được hiểu là quy định bảo đảm quyền lợi của bên bán trong quan hệ hợp đồng mua bán. Theo đó, trong hợp đồng mua bán tài sản, quyền sở hữu tài sản có thể được bên bán tài sản bảo lưu cho đến khi bên mua tài sản thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ.
- Để đảm bảo thực hiện bảo lưu quyền sở hữu đúng theo quy định của pháp luật, các bên cần nắm rõ một số thông tin liên quan được nhắc tới dưới đây.
- Trong bảo lưu quyền sở hữu, mặc dù tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán, nhưng trên thực tế bên mua đang sử dụng và chiếm hữu tài sản. Quyền định đoạt tài sản của bên mua có thể bị bên bán kiểm soát, nhưng bên mua vẫn có thể lừa dối để bán, trao đổi, tặng cho tài sản mặc dù chưa thực hiện xong nghĩa vụ.
- Bên cạnh đó, pháp luật quy định bảo lưu quyền sở hữu chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba khi đăng ký biện pháp bảo đảm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bên bán, pháp luật quy định hợp đồng bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản, hoặc được ghi trong điều khoản của hợp đồng mua bán tài sản, để làm cơ sở thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.
- Ví dụ: A mua xe máy tại cửa hàng B theo hình thức trả góp, để đảm bảo rằng A sẽ thanh toán đầy đủ tiền, A và cửa hàng B thỏa thuận xác lập biện pháp bảo lưu quyền sở hữu ghi nhận trong hợp đồng mua bán tài sản.
- Thứ nhất, bên mua có quyền và nghĩa vụ sau:
- Được sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực.
- Phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Bên mua không phải chịu trách nhiệm về hao mòn tự nhiên của tài sản được bảo lưu quyền sở hữu.
- Thứ hai, bên bán có quyền và nghĩa vụ sau:
- Nếu bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng (trừ hao mòn tự nhiên). Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Nếu bên mua phải trả lại tài sản mua cho bên bán do vi phạm nghĩa vụ thanh toán nhưng tại thời điểm hoàn trả, giá trị tài sản lớn hơn giá trị tài sản ban đầu do bên mua hoặc bên thứ ba đã đầu tư làm tăng giá trị tài sản thì bên bán phải hoàn lại giá trị chênh lệch cho người đã đầu tư vào tài sản.
Hình 2. Quyền và nghĩa vụ của các bên
- Đăng ký bảo lưu quyền sở hữu là việc cơ quan đăng ký ghi vào sổ đăng ký hoặc nhập vào cơ sở dữ liệu về việc bên mua dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên bán. Việc bảo lưu quyền sở hữu trong hợp đồng mua bán tài sản chỉ được đăng ký khi có yêu cầu.
- Thời điểm có hiệu lực của đăng ký bảo lưu quyền sở hữu được xác định tùy theo loại tài sản, cụ thể như sau:
- Đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký bảo lưu quyền sở hữu là thời điểm cơ quan đăng ký ghi nội dung đăng ký vào sổ đăng ký.
- Đối với tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo lưu quyền sở hữu là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.
- Bảo lưu quyền sở hữu sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp nghĩa vụ thanh toán cho bên bán của bên mua đã được thực hiện đúng và đầy đủ: Xuất phát từ bản chất bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp được áp dụng nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán, cụ thể là nghĩa vụ thanh toán. Do đó, khi nghĩa vụ thanh toán đã được thực hiện thì như một lẽ đương nhiên, biện pháp bảo đảm này cũng được chấm dứt.
- Trường hợp bên bán đã nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu: Trong trường hợp, bên mua không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán như thỏa thuận trong hợp đồng, thì khi đó bên bán có quyền nhận lại tài sản đã bán. Như vậy, biện pháp bảo lưu quyền sở hữu tài sản sẽ chấm dứt tại thời điểm bên bán nhận lại tài sản đó. Đồng thời, việc chấm dứt biện pháp bảo lưu quyền sở hữu tài sản sẽ kéo theo hợp đồng mua bán chấm dứt. Bởi trên thực tế, khi bên bán nhận lại tài sản mua bán thì hợp đồng mua bán sẽ không thể tồn tại.
- Trường hợp chấm dứt theo thỏa thuận của các bên: Các bên trong hợp đồng mua bán có thể thỏa thuận chấm dứt việc bảo lưu quyền sở hữu này.
- Nhìn chung, bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm được sử dụng phổ biến trong hợp đồng mua bán tài sản. Đặc biệt, khi bên mua tài sản thực hiện nghĩa vụ thông qua hình thức trả góp, trả chậm thì bảo lưu quyền sở hữu có vai trò đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán đó. Biện pháp bảo đảm này có các đặc điểm và tính chất riêng biệt, vì vậy các bên cần phải nắm rõ quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ 15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.
➤ Nghĩa vụ bảo hành trong hợp đồng mua bán.
➤ Tìm hiểu về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.
➤ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về bảo lưu quyền sở hữu. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: Luật Thịnh Trí