Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự mới nhất

Khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự mới nhất

10/02/2022


KHUNG HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ MỚI NHẤT

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Căn cứ pháp lý tội trộm cắp tài sản.

2. Các yếu tố cấu thành của tội trộm cắp tài sản.

3. Khung hình phạt tội trộm cắp tài sản.

4. Hình thức xử lý tội trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng.

  Trộm cắp tài sản là một trong những hành vi vi phạm pháp luật phổ biến và thường xuyên. Hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp tài sản ngày một tinh vi và có nhiều thủ đoạn, do đó, Bộ luật Hình sự có những chế tài riêng cho hành vi trộm cắp tài sản. Vậy dấu hiệu để cấu thành tội trộm cắp tài sản là gì và khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản như thế nào? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn chi tiết về các điều nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

Tội trộm cắp tài sản

Tội trộm cắp tài sản (ảnh minh họa)

1. Căn cứ pháp lý tội trộm cắp tài sản

  • Trộm cắp tài sản là hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền sở hữu. Dấu hiệu nhận biết của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội thực hiện thủ đoạn lén lút, lợi dụng sơ hở của người khác với mục đích chiếm đoạt tài sản của họ. Khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, người phạm tội luôn có ý thức che giấu hành vi của mình và bằng mọi cách thực hiện hành vi mà người bị hại không phát hiện ra.
  • Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:

1. Người phạm tội bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm trong trường hợp trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.

b) Đã bị kết án về tội trộm cắp tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168 (tội cướp tài sản), 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (tội cướp giật tài sản), 172 (tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), 174 (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), 175 (tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật Hình sự chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

 c) Tài sản là cổ vật, di vật.

 d) Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

 đ) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình của người bị hại.

2. Người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt;

 d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

đ) Tài sản là bảo vật quốc gia;

e) Hành hung để tẩu thoát;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 a) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh;

 b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

 4. Người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, hoàn cảnh chiến tranh.

 b) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

2. Các yếu tố cấu thành của tội trộm cắp tài sản

  1. Chủ thể tội trộm cắp tài sản:

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định như sau:

  • Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, đội đặc biệt nghiêm trọng theo quy định tại các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự.
  • Đối với người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.
  • Như vậy, chủ thể của tội trộm cắp tài sản là người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 3, khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự.
  1. Khách thể tội trộm cắp tài sản: Xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác.
  2. Mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản:
  • Người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản với lỗi cố ý nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.
  • Trường hợp, người đồng phạm với người trộm cắp tài sản nhưng không có mục đích chiếm đoạt tài sản mà không cấu thành tội khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.
  • Ví dụ: A không thích B nên xúi giục C trộm điện thoại của B. Trường hợp này A vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản với vai trò đồng phạm mặc dù A không có mục đích chiếm đoạt tài sản của B.
  1. Mặc khách quan của tội trộm cắp tài sản: Người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản bằng việc lợi dụng sơ hở của bị hại, lén lút chiếm đoạt tài sản.
  2. Hậu quả của tội trộm cắp tài sản: gây thiệt hại về tài sản cho người bị hại.

 Khung hình phạt tội trộm cắp tài sản

Khung hình phạt tội trộm cắp tài sản (ảnh minh họa)

3. Khung hình phạt tội trộm cắp tài sản

  • Theo Điều 173 Bộ luật Hình sự quy định về tội trộm cắp tài sản có 04 khung hình phạt như sau:
  • Khung hình phạt thứ nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
  • Khung hình phạt thứ hai là bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm;
  • Khung hình phạt thứ ba là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;
  • Khung hình phạt thứ tư là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
  • Tùy theo hành vi thực tế của người phạm tội, hậu quả hành vi phạm tội gây ra; các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì áp dụng khung hình phạt theo quy định pháp luật. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

4. Hình thức xử lý tội trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng

  • Hình thức xử lý tội trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2.000.000 đồng thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự như sau:
  1. Xử lý vi phạm hành chính:

Tội trộm cắp tài sản bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

  1. Xử lý hình sự:

Tội trộm cắp tài sản bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với các trường hợp theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Xem thêm:

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam lý luận và thực tiễn.
Tìm hiểu về các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt.

Chế định miễn trách nhiệm hình sự.
Loại trừ trách nhiệm hình sự là gì?.

  • Trên đây là nội dung Khung hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự mới nhất của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.