KHUNG HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI TỘI PHẠM
MUA BÁN NGƯỜI THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Quy định về Tội mua bán người.
2. Các yếu tố cấu thành Tội mua bán người.
3. Khung hình phạt đối với tội phạm mua bán người.
Tình trạng mua bán người ở nước ta trong những năm gần đây có dấu hiệu gia tăng đáng báo động với số lượng các vụ án mua bán người qua biên giới bằng những hình thức, thủ đoạn, tinh vi, xảo quyệt. Hành vi mua bán người là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm. Bộ luật Hình sự hiện hành đã có chế tài xử lý đối với tội phạm thực hiện hành vi mua bán người. Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.
Tội mua bán người (ảnh minh họa)
- Thực trạng mua bán người hiện nay diễn biến rất phức tạp, lợi dụng việc thiếu hiểu biết của người dân tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh biên giới, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Theo thống kế của Tổ chức Lao động quốc tế có khoảng hơn 40 triệu nạn nhân của hành vi vi mua bán người trên toàn thế giới. Qua đó, có thể thấy được việc tăng cường phòng, chống mua bán người là thật sự cần thiết và cấp bách hiện nay.
- Công tác phòng, chống mua bán người luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với tội phạm thực hiện việc mua bán người.
- Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về phòng chống mua bán người của Liên hiệp quốc, ký kết hiệp định song phương với các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc,… Đồng thời nội luật hóa công tác phòng, chống mua bán người như Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, quy định Tội mua bán người, Tội mua bán trẻ em tại Bộ luật Hình sự, tăng cường công tác phòng chống mua bán người tại Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị. Đây là những công cụ đắc lực trong việc triệt phá các tội phạm mua bán người, đồng thời đây là chế tài nghiêm minh cho cơ quan chức năng sử dụng trong công tác phòng, chống mua bán người.
- Theo Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, quy định về Tội mua bán người, trong đó xác định hành vi được xem là phạm tội mua bán người như sau:
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc có thủ đoạn khác để tiếp nhận hoặc chuyển giao người để giao, nhận tài sản, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác;
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc có thủ đoạn khác để tiếp nhận hoặc chuyển giao người để bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
- Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc có thủ đoạn khác để tiếp nhận hoặc chuyển giao người để vận chuyển, tuyển mộ, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác, tiếp nhận hoặc chuyển giao người để giao, nhận tài sản, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
- Theo Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 quy định việc ép buộc người khác bán dâm, làm nô lệ tình dục, trình diễn khiêu dâm, làm đối tượng để sản xuất ấn phẩm khiêu dâm được xác định là bóc lột tình dục.
- Đối với việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái với ý muốn của họ được xác định là cưỡng bức lao động.
- Chủ thể của tội phạm: Bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Khách thể: Xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người.
- Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người bằng lỗi cố ý. Mục đích tội phạm để thu lợi bất chính hoặc một lợi ích khác.
- Mặt khách quan: Có hành vi mua bán người để thu lợi bất chính bằng nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như dùng tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác nhằm đem bán người hoặc ngược lại để vụ lợi.
- Nạn nhân trong trường hợp này là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Trường hợp nạn nhân là người dưới 16 tuổi thì cấu thành tội mua bán trẻ em.
- Lưu ý: Khi người phạm tội thực hiện xong hành vi mua bán người thì được coi là tội phạm. Trường hợp chưa xảy ra việc việc mua bán người thì được coi là phạm tội chưa đạt. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội này không phụ thuộc vào việc nạn nhân có biết hoặc không biết mình bị mua bán.
Khung hình phạt Tội mua bán người (Ảnh minh họa)
- Tùy theo tính chất, mức độ và hành vi, người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, như sau:
- Theo Khoản 1 thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi thực hiện một trong các hành vi:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc có thủ đoạn khác để tiếp nhận hoặc chuyển giao người để giao, nhận tài sản, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác;
2. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc có thủ đoạn khác để tiếp nhận hoặc chuyển giao người để bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;
3. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc có thủ đoạn khác để tiếp nhận hoặc chuyển giao người để vận chuyển, tuyển mộ, chứa chấp người khác để thực hiện các hành vi bóc lột tình dục, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác, tiếp nhận hoặc chuyển giao người để giao, nhận tài sản, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
- Theo Khoản 2 thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
1. Vì động cơ đê hèn;
2. Có tổ chức;
3. Đối với từ 02 người đến 05 người;
4. Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;
5. Phạm tội 02 lần trở lên;
6. Gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
- Theo Khoản 3 thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
2. Có tổ chức;
3. Có tính chất chuyên nghiệp;
4. Tái phạm nguy hiểm;
5. Làm nạn nhân tự sát hoặc chết;
6. Đối với 06 người trở lên;
7. Gây rối loạn tâm thần và hành của nạn nhân 46% trở lên.
- Ngoài những mức phạt nêu trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghệ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm; phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
➤ Xem thêm:
➤ Tội phạm là gì? Các loại tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự mới nhất.
➤ Cảnh giác một số chiêu trò lừa đảo qua không gian mạng của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
➤ Định tội danh giữa tội Giết người và tội Cố ý gây thương tích.
➤ Chế định miễn trách nhiệm hình sự.
Trên đây là nội dung một số quy định về Khung hình phạt đối với Tội mua bán người theo Bộ luật Hình sự hiện nay của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.