KHI NÀO NGƯỜI CHA ĐƯỢC QUYỀN
NUÔI CON DƯỚI 36 THÁNG TUỔI?
Con cái là tài sản quý nhất của cha mẹ. Khi ly hôn, ai có quyền nuôi con là vấn đề tranh chấp nhiều nhất. Liệu người cha có được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi không? Hãy cùng Luật Thịnh Trí giải đáp thắc mắc.
Ảnh minh họa
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi ly hôn.
2. Các trường hợp cha là người nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
2.1. Theo thỏa thuận của cha mẹ.
2.2. Người mẹ không đủ điều kiện để nuôi con.
2.3. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
2.4. Người mẹ bị hạn chế quyền đối với con.
- Về nguyên tắc, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đại diện cho con cái và quyền, nghĩa vụ này không mất đi khi cha mẹ ly hôn. Vì vậy, khi ly hôn cha hoặc mẹ đều có quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con cái.
- Tuy nhiên, với con dưới 36 tháng tuổi pháp luật quy định sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi - đây là quyền ưu tiên đối với người mẹ. Quyền ưu tiên này cũng không phải quyền tuyệt đối, trong những trường hợp nhất định, người bố sẽ có quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi.
➤ Tham khảo thêm bài viết: Những điều cần biết về việc ly hôn.
- Theo quy định pháp luật, có những trường hợp người cha vẫn được giành quyền nuôi con đối với con dưới 36 tháng tuổi.
- Khi ly hôn, cha mẹ được quyền thỏa thuận cha là người trực tiếp nuôi con và Tòa án sẽ công nhận nếu như thỏa thuận này không trái pháp luật, không trái đạo đức thuần phong mỹ tục cũng như tôn trọng và phù hợp với lợi ích của con. Do đó, nếu vợ chồng đã thỏa thuận rõ người chồng sẽ là người nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn và thỏa thuận này phù hợp với lợi ích của con thì Tòa án sẽ ghi nhận điều này.
- Một trường hợp khác mà người cha được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đó là khi người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con dưới 36 tháng tuổi.
- Thiên chức của người phụ nữ là làm mẹ, họ có những điều kiện nhất định để nuôi dạy con, nhất là khi con còn nhỏ. Tuy nhiên, trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì buộc lòng con phải cho ở với cha. Một trong các điều kiện phải kể đến đó là:
- Điều kiện về vật chất bao gồm: Thu nhập, tài sản, chỗ ở của mẹ không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu về ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập,… của con.
- Điều kiện về tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc vui chơi cùng con, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm vỗ về, gần gũi đã dành cho con từ trước tới nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn…của mẹ.
- Trong trường hợp này, để giành quyền nuôi con thì ngoài việc chứng minh rằng người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng con thì đồng thời người cha cũng phải chứng minh được rằng mình đáp ứng được các điều kiện như trên để có thể chăm sóc tốt cho con và đảm bảo cho con sự phát triển tốt nhất.
Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.
- Đây là trường hợp Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật về việc người mẹ là người có quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi con thì cha, mẹ vẫn có quyền thỏa thuận lại và yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo Điều 84 Luật HNGĐ 2014. Hoặc trong trường hợp người mẹ không còn đủ điều kiện để tiếp tục, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con nữa thì cha, mẹ hoặc các tổ chức, cá nhân sau đây được quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
- Người thân thích;
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
- Hội liên hiệp phụ nữ.
- Như vậy, mặc dù đã có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của Tòa án về việc người mẹ là người trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi nhưng Tòa án vẫn sẽ thay đổi và giao quyền này lại cho người cha khi có các căn cứ sau đây:
- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
- Để thực hiện được quyền này, bạn cần chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ sau đây và nộp tại Tòa án có thẩm quyền:
- Đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn;
- Bản án (Quyết định) của Tòa án (bản chính) về việc ly hôn;
- Hộ khẩu thường trú (bản sao có công chứng, chứng thực). Trường hợp hộ khẩu thường trú và nơi tạm trú không phải ở cùng một chỗ thì phải có giấy xác nhận tạm trú của Công an;
- Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (bản sao có công chứng, chứng thực);
- Giấy khai sinh của con chung (bản sao);
- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện nuôi con như bảng lương, hợp đồng lao động, giấy chứng nhận sở hữu nhà,...
- Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của trẻ em, pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã quy định việc hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên trong một số trường hợp và trong thời gian nhất định. Đây là biện pháp chế tài của pháp luật hôn nhân và gia đình áp dụng đối với cha, mẹ không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình đối với con chưa thành niên, có hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người con.
- Theo quy định tại Điều 85 Luật HNGĐ 2014, người mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
- Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
- Phá tán tài sản của con: Hành vi phá tán tài sản của con có thể hiểu là hành vi sử dụng tài sản của con trái với nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của con, gây hậu quả nghiêm trọng đối với tài sản riêng của con chưa thành niên như: dùng tài sản của con chi dùng cho mục đích cá nhân của cha, mẹ; dùng tài sản của con với mục đích kinh doanh bất hợp pháp; có hành vi phá hoại tài sản của con, có hành vi chiếm đoạt tài sản của con,…
- Có lối sống đồi trụy: Trẻ em là đối tượng chưa hoàn thiện về thể chất, tinh thần và nhân cách nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi, lối sống của cha mẹ mình và rất dễ bị lôi kéo, xúi giục thậm chí ép buộc làm những điều sai trái mà bản thân họ chưa nhận thức được. Lối sống đòi trụy của cha mẹ có thể lối sống buông thả, thiếu lành mạnh; nghiện chất kích thích, ham mê cờ bạc, rượu chè, tàng trữ, mua bán văn hóa phẩm bạo lực, đồi trụy,…
- Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
- Lúc này, nếu người mẹ được giao quyền trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi thuộc một trong các trường hợp trên thì người cha được quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của người mẹ đối với con.
- Nếu người mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên thì người cha sẽ thực hiện quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 87 Luật HNGĐ 2014.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
→ Những vấn đề cần biết về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
→ Những điều cần biết về trước và sau khi kết hôn.
→ Cách xác định tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
→ Thủ tục ly hôn thuận tình với người nước ngoài.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về các trường hợp người cha được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các hồ sơ, thủ tục ly hôn cũng như tranh chấp quyền nuôi con theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365