Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình năm 2022

Hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình năm 2022

22/06/2022


HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC
CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
CỦA HỘ GIA ĐÌNH NĂM 2022

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Quy định về việc hộ gia đình sử dụng đất.

2. Điều kiện hộ gia đình chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

3. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

  • Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, khác với cá nhân thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì đối với hộ gia đình thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải bảo đảm một số yêu cầu nhất định. Vì đất cấp cho hộ gia đình thì đất đó là tài sản chung của cả hộ, do đó, khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có sự thống nhất giữa các thành viên. Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn về nội dung thủ tục thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Một số điều kiện về hộ gia đình sử dụng đất

Một số điều kiện về hộ gia đình sử dụng đất (Ảnh minh họa).

1. Quy định về việc hộ gia đình sử dụng đất:

  • Theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình sử dụng đất thì các thành viên trong hộ gia đình phải bảo đảm điều kiện sau:
  • Là những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng theo quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình;
  • Tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuế đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất thì những người thuộc hộ gia đình đang sống chung;
  • Có quyền sử dụng đất chung.
  • Đất cấp cho hộ gia đình thì đất đó là tài sản chung của cả hộ, do đó, việc chiếm hữu, định đoạt phải theo sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình được cấp đất.
  • Theo Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về sở hữu chung của hộ gia đình như sau:
  • Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung bao gồm tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập nên, tài sản do các thành viên cùng nhau đóng góp và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định pháp luật.
  • Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện bằng hình thức thỏa thuận.
  • Phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong gia đình trong trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.
  • Như vậy, nếu muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì phải có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ gia đình.

2. Điều kiện hộ gia đình chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

  Khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thừa kế, thế chấp, góp vốn thì người sử dụng đất phải đáp ứng về quyền sử dụng đất theo Điều 188 Luật Đất đai như sau:

  • Thứ nhất, khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có Giấy chứng nhận. Trừ các trường hợp sau:
  • Người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam là người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì không được cấp Giấy chứng nhận theo khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai.
  • Người sử dụng đất thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp người sử dụng đất là người nhận thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển đổi khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận; trường hợp người sử dụng đất được ghi nợ hoặc thực hiện chậm nghĩa vụ tài chính thì đến khi nào thực hiện xong nghĩa vụ mới được thực hiện quyền chuyển đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai.
  • Thứ hai, không có phát sinh tranh chấp đối với đất.
  • Thứ ba, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án đối với quyền sử dụng đất.
  • Thứ tư, đất còn trong thời hạn sử dụng.
  • Ngoài các điều kiện nêu trên, hộ gia đình chuyển nhượng đất trong một số trường hợp đặc biệt thì phải bổ sung một số điều kiện theo Điều 182 Luật Đất đai như sau:
  • Hộ gia đình chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng trong trường hợp hộ gia đình đang sinh sống xen kẽ trong phân khu đó nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó.
  • Hộ gia đình đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.
  • Hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất trong trường hợp được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận hộ gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số không còn nhu cầu sử dụng do chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động hoặc do chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú để đến nơi khác.

 Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình

Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình (Ảnh minh họa).

3. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình:

  • Trên cơ sở Điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thì trình tự, thủ tục thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình được thực hiện như sau:
    • Hộ gia đình chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm: Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp, Văn bản thỏa thuận đồng ý chuyển quyền sử dụng đất của các thành viên trong hộ gia đình và nộp cho Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã. Ở địa phương chưa có Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
    • Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ hợp lệ, thông báo cho hộ gia đình về nghĩa vụ tài chính trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp nội dung biến động theo quy định (trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định); chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất.
  • Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT hướng dẫn về hồ sơ đăng ký biến động đất đai trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, gồm có: Đơn đăng ký mẫu số 09/ĐK về biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất ban hành kèm theo Thông tư này, Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp, các giấy tờ liên quan đến nội dung biến động tùy vào từng trường hợp cụ thể. Như vậy, khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì hộ gia đình phải lưu ý chuẩn bị các loại hồ sơ thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định.

Xem thêm:

Những điều cần biết về tặng cho quyền sử dụng đất.
Chuyển đổi quyền sử dụng đất theo pháp luật Việt Nam.

Các trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu.
Những vấn đề liên quan khi xin cấp giấy chứng nhận chủ “quyền nhà đất”.

Trên đây là nội dung một số quy định về Hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình năm 2022 của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.