Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hướng dẫn thủ tục tách thửa đất hộ gia đình mới nhất

Hướng dẫn thủ tục tách thửa đất hộ gia đình mới nhất

14/05/2022


HƯỚNG DẪN THỦ TỤC
TÁCH THỬA ĐẤT HỘ GIA ĐÌNH MỚI NHẤT

Hướng dẫn thủ tục tách thửa đất hộ gia đình mới nhất

Hình 1. Hướng dẫn thủ tục tách thửa đất hộ gia đình mới nhất

  Lĩnh vực đất đai luôn là một trong những lĩnh vực quan trọng và phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Trong đó, thủ tục tách thửa đang được rất nhiều người dân quan tâm. Bài viết này Luật Thịnh Trí sẽ hướng dẫn khách hàng về thủ tục tách thửa đất hộ gia đình.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Đất hộ gia đình là gì? Tách thửa đất hộ gia đình là gì?

2. Điều kiện để tách thửa đất hộ gia đình.

3. Trình tự, thủ tục tách thửa đất hộ gia đình.

1. Đất hộ gia đình là gì? Tách thửa đất hộ gia đình là gì?

  • Hiện nay, pháp luật đất đai đã ghi nhận cụ thể khái niệm đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013. Theo đó, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
  • Đối với đất hộ gia đình, tại bìa ngoài của Giấy chứng nhận sẽ ghi “Hộ ông” hoặc “Hộ bà”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú của hộ gia đình.
  • Về khái niệm tách thửa đất hộ gia đình có thể hiểu đơn giản đây là thủ tục chia một thửa đất đã có sổ đỏ thành hai hay nhiều thửa đất có diện tích nhỏ hơn.

2. Điều kiện để tách thửa đất hộ gia đình

  • Để tách thửa đất hộ gia đình, thửa đất đó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT. Cụ thể bao gồm các điều kiện sau đây:
  • Thứ nhất, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay tên gọi khác là sổ đỏ).
  • Thứ hai, thửa đất không có tranh chấp.
  • Thứ ba, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
  • Thứ tư, thửa đất vẫn còn thời hạn sử dụng đất.
  • Thứ năm, thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách sổ đỏ hộ gia đình không được nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quy định.
  • Thứ sáu, các thành viên của hộ gia đình lập một bản thỏa thuận về việc đồng ý thực hiện thủ tục tách sổ đỏ hộ gia đình và mang công chứng, chứng thực.

3. Trình tự, thủ tục tách thửa đất hộ gia đình

  • Hồ sơ thực hiện tách thửa đất hộ gia đình gồm có:
  • Theo quy định tại khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hộ gia đình, cá nhân khi tiến hành tách thửa đất thì cần phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm đầy đủ các loại giấy tờ như sau:
  • Đơn đề nghị tách sổ đỏ hộ gia đình theo mẫu.
  • Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay tên gọi khác là sổ đỏ) đã cấp.
  • Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình đã được công chứng hoặc chứng thực (nếu có).

 Nộp hồ sơ tách thửa đất hộ gia đình

Hình 2. Nộp hồ sơ tách thửa đất hộ gia đình

  • Trình tự thực hiện tách thửa đất hộ gia đình:
  • Bước 1: Nộp hồ sơ xin tách thửa đất hộ gia đình
  • Căn cứ theo Khoản 2 và khoản 3 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân có thể chọn 1 trong 2 cách nộp hồ sơ như sau:
  • Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.
  • Cách 2:
  • Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
  • Đối với địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì nộp tại bộ phận một cửa.
  • Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ xin tách thửa đất hộ gia đình
  • Nếu như hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung.
  • Bước 3: Giải quyết yêu cầu xin tách thửa đất hộ gia đình
  • Ở bước này, người có nhu cầu xin tách Sổ đỏ cần lưu ý nghĩa vụ thanh toán tài chính.
  • Đối với cơ quan có thẩm quyền trong giai đoạn này sẽ thực hiện các hoạt động sau đây:
  • Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
  • Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
  • Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đổi với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
  • Bước 4: Trả kết quả xin tách thửa đất hộ gia đình
  • Cơ quan đăng ký đất đai trao giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao trong trường hợp nộp hồ sơ tại xã.

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề liên quan khi xin cấp giấy chứng nhận chủ “quyền nhà đất”.
Những điều cần biết về tặng cho quyền sử dụng đất.
Hủy hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bồi thường.
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai bạn cần biết.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về thủ tục tách thửa đất thừa kế. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự, thương mại theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí