Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai khi xây nhà

Hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai khi xây nhà

12/07/2022


HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT
TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI KHI XÂY NHÀ

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Một số quy định pháp luật về hành vi tranh chấp đất đai khi xây nhà.

2. Điều kiện xây dựng nhà ở.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi xây nhà.

  • Tranh chấp đất đai khi xây nhà là một trong những vấn đề pháp lý được quan tâm hiện nay. Trên thực tế, nhiều chủ sở hữu quyền sử dụng đất bị lấn chiếm đất gặp khó khăn trong việc lấy lại phần đất bị lấn chiếm khi người khác xây nhà trên phần đất của mình. Như vậy, Pháp luật quy định như thế nào về giải quyết tranh chấp đất đai khi xây nhà? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn về các nội dung nêu trên, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Tranh chấp đất đai khi xây nhà

Tranh chấp đất đai khi xây nhà (Ảnh minh họa).

1. Một số quy định pháp luật về hành vi tranh chấp đất đai khi xây nhà:

  Hiện nay, theo Luật Đất đai năm 2013 có nhiều quy định điều chỉnh nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng đất. Cụ thể:

  • Theo Điều 6 Luật Đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất bao gồm:
  • Sử dụng đất đúng theo quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích.
  • Có hiệu quả, tiết kiệm, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
  • Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất thực hiện theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan quy định.
  • Theo Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định 10 hành vi bị nghiêm cấm như sau:
  • Hủy hoại, lấn, chiếm đất đai.
  • Không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất.
  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước không được thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
  • Sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch đã được công bố.
  • Mục đích sử dụng đất không đúng, không sử dụng đất đúng mục đích.
  • Khi thực hiện quyền của người sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.
  • Làm trái quy định về quản lý đất đai bằng cách lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
  • Thông tin về đất đai không được cung cấp hoặc cung cấp không chính xác theo quy định của pháp luật.
  • Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
  • Khi thực hiện quyền của người sử dụng đất bị cản trở, gây khó khăn theo quy định của pháp luật.
  • Từ những quy định trên có thể thấy khi xây nhà mà phát sinh tranh chấp đất đai đối với việc xây nhà trên phần đất lấn chiếm của người khác đã vi phạm vào điều cấm của luật. Do đó, tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà bị xử lý theo quy định pháp luật.
  • Về hình thức xử phạt vi phạm hành chính: Theo khoản 10 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Trong đó, quy định về mức phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng đối với hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ cơi nới, lấn chiếm không gian, diện tích đang được sử dụng, quản lý hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Trường hợp sau khi đã bị lập biên bản hành chính vẫn không chấm dứt hành vi mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt thì sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 120 triệu đồng.
  • Về hình thức xử lý hình sự: Theo Điều 228 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào có hành vi lấn chiếm đất, sử dụng đất trái với quy định pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, hành vi này đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án phạm tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
  • Về biện pháp khắc phục hậu quả: Theo khoản 14, 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định đối với công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải buộc tháo dỡ và có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng từ 03 tháng đến 06 tháng.
  • Từ những quy định trên, đối với trường hợp xây nhà nhưng lấn sang đất người khác phát sinh tranh chấp được xem là hành vi lấn chiếm đất người khác, nếu chủ đất yêu cầu tháo dỡ thì người vi phạm phải tháo dỡ, nếu không chấm dứt hành vi thì căn cứ vào quy định xử lý nêu trên thì người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

 Điều kiện xây dựng nhà ở

Điều kiện xây dựng nhà ở (Ảnh minh họa).

2. Điều kiện xây dựng nhà ở:

  • Chủ sở hữu quyền sử dụng đất được phép thực hiện các hoạt động xây dựng, cải tạo đất theo quy định của Luật Đất đai. Đối với chủ sở hữu quyền sử dụng đất hợp pháp (tức có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang còn có hiệu lực) thì không ai được xâm phạm đến quyền sử dụng đất của chủ sở hữu.
  • Đối với trường hợp khi xây dựng nhà ở cần phải có giấy phép xây dựng theo Điều 93 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị, cụ thể:
  • Việc cấp giấy phép phải phù hợp với mục đích sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy hoạch sử dụng đất và quy chế quản lý kiến trúc.
  • Việc cấp giấy phép phải bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, năng lượng, khu di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa; bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh.
  • Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ theo khoản 7 Điều 79 Luật Xây dựng.
  • Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo khoản 1 Điều 95, Điều 96 và Điều 97 của Luật Xây dựng và văn bản hướng dẫn.
  • Trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị thì đáp ứng các điều kiện trên; nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
  • Trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn thì phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

3. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai khi xây nhà:

  Theo Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

  • Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc một trong các loại giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.
  • Trường hợp đương sự không có các loại giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất mà phát sinh tranh chấp đất đai thì đương sự lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai như sau:
  • Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự;
  • Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo hướng dẫn sau:

(1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.

 (2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Xem thêm:

Một số cách giải quyết tranh chấp đất đai bạn cần biết.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định mới.
Quy trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất mới nhất hiện nay.
Những vấn đề liên quan khi xin cấp giấy chứng nhận chủ “quyền nhà đất”.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Hướng dẫn giải quyết tranh chấp đất đai khi xây nhà của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.