HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CÁCH XỬ LÝ
HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU
Hình 1. Cách xử lý hợp đồng lao động vô hiệu.
- Pháp luật lao động hiện hành có quy định rất cụ thể về trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu. Lúc này, người lao động và người sử dụng lao động cần phải lưu ý những vấn đề gì? Hãy cùng Luật Thịnh Trí tìm hiểu.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Hợp đồng lao động vô hiệu là gì?
2. Cách xử lý hợp đồng lao động vô hiệu.
2.1. Đối với hợp đồng lao động vô hiệu từng phần.
2.2. Đối với hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
- Có thể hiểu rằng, hợp đồng lao động vô hiệu là hợp đồng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực của pháp luật. Hay nói cách khác, hợp đồng lao động vô hiệu sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.
- Sau khi nhận được phán quyết của Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, người lao động và người sử dụng lao động phải xử lý hệ quả của hợp đồng lao động vô hiệu. Tùy thuộc vào phạm vi vô hiệu và căn cứ vô hiệu mà việc xử lý hợp đồng sẽ có những nội dung khác nhau.
- Trong trường hợp hợp đồng vô hiệu từng phần thì Khoản 1 Điều 51 BLLĐ 2019 có quy định rằng phần nội dung bị vô hiệu sẽ phải được sửa đổi, bổ sung bởi nội dung khác không vi phạm pháp luật. Lúc này, các bên trong quan hệ lao động phải tiến hành thay thế phần nội dung bị tuyên vô hiệu để phù hợp với pháp luật và thỏa ước lao động tập thể.
- Theo hướng dẫn chi tiết tại Điều 9 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, việc thỏa thuận tiến hành sửa đổi, bổ sung nội dung giữa hai bên có thể dẫn đến 02 trường hợp sau:
- Một là, các bên thống nhất ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung nội dung:
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong khoảng thời gian bắt đầu xác lập quan hệ lao động theo hợp đồng lao động vô hiệu từng phần đến khi hợp đồng lao động này được sửa đổi, bổ sung thì sẽ được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể, văn bản thể hiện thỏa thuận đạt được giữa phía người sử dụng lao động và phía người lao động về các quy định chung đối với quan hệ lao động. Trong trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật.
- Nếu như hợp đồng lao động vô hiệu từng phần do mức lương trả cho người lao động thấp hơn quy định pháp luật hoặc thỏa ước lao động tập thể, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm như sau:
- Thỏa thuận lại với người lao động về mức lương sao cho đúng quy định pháp luật và thỏa ước lao động tập thể;
- Hoàn trả phần chênh lệch giữa tiền lương trong hợp đồng lao động vô hiệu từng phần với hợp đồng lao động đã được thỏa thuận sửa đổi, bổ sung tương ứng với thời gian đã làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên vô hiệu.
- Hai là, các bên không thống nhất ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung nội dung:
- Nếu các bên không thống nhất ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung nội dung trong hợp đồng lao động thì sẽ phải thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động. Lúc này, quyền, nghĩa vụ lợi ích của hai bên từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu từng phần đến khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định pháp luật (nếu không có thỏa ước lao động tập thể).
- Người sử dụng lao động trong trường hợp này phải thực hiện trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc theo thời gian thực tế người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động và các trách nhiệm khác khi chấm dứt hợp đồng lao động tại BLLĐ 2019.
- Ngoài các vấn đề trên, việc xử lý nội dung có liên quan sẽ không được thỏa thuận mà thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Hình 2. Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.
Nếu hợp đồng lao động bị vô hiệu toàn bộ thì theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP, có thể chia thành 02 trường hợp sau đây:
- Một là, hợp đồng vô hiệu do giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động:
- Nếu hợp đồng vô hiệu do giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thì hai bên có quyền ký lại hợp đồng lao động.
- Hai bên có quyền không ký lại hợp đồng lao động khi vô hiệu do giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động. Lúc này, người sử dụng lao động phải chi trả trợ cấp thôi việc và thực hiện các trách nhiệm khác theo Bộ luật Lao động 2019.
- Hai là, hợp đồng vô hiệu do nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc giao kết bị pháp luật cấm:
- Nếu hợp đồng vô hiệu do nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc giao kết bị pháp luật cấm thì hai bên phải giao kết hợp đồng lao động mới (không thỏa thuận nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc bị pháp luật cấm).
- Đồng thời, hai bên cũng có quyền không giao kết hợp đồng lao động mới khi vô hiệu do nội dung vi phạm pháp luật hoặc công việc giao kết bị pháp luật cấm. Lúc này, ngoài khoản trợ cấp thôi việc và trách nhiệm khác, người sử dụng lao động còn phải phải trả cho người lao động một khoản tiền với mức hưởng: ít nhất một tháng lương tối thiểu vùng x số năm làm việc theo hợp đồng lao động (trừ đi thời gian người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc được người sử dụng lao động trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc).
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ Người sử dụng lao động điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động trong trường hợp nào?
➤ Tổng hợp mức phạt hành chính đối với người sử dụng lao động vi phạm giao kết hợp đồng lao động mới nhất hiện nay.
➤ Quy định về thời giờ nghỉ ngơi theo BLLĐ 2019.
➤ Người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về cách xử lý hợp đồng lao động vô hiệu. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến hợp đồng lao động theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: Luật Thịnh Trí