HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH
Hình 1. Hợp đồng vận chuyển hành khách
Hoạt động vận chuyển người từ nơi này đến nơi khác diễn ra từng ngày, từng giờ, có thể là giữa các huyện, có khi là giữa các quốc gia. Vì vậy nếu như không nắm rõ về hợp đồng vận chuyển hành khách thì quyền, lợi ích của mình sẽ không được đảm bảo, nhất là đối với những cá nhân là hành khách hoặc cá nhân chỉ thực hiện hoạt động vận chuyển khi có yêu cầu.
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Hợp đồng vận chuyển hành khách là gì?
2. Quyền và nghĩa vụ các bên.
2.1 Bên vận chuyển.
2.2 Hành khách.
3. Lưu ý khi tham gia hợp đồng vận chuyển hành khách.
- Hợp đồng vận chuyển hành khách nói một cách đơn giản là sự thỏa thuận giữa một bên vận chuyển chuyên chở hành khách, ở đây là bên còn lại cùng với hành lý đến địa điểm nhất định, và bên hành khách sẽ phải thanh toán tiền vận chuyển.
- Theo quy định hiện hành, hợp đồng này có thể được xác lập bằng văn bản trên giấy tờ rõ ràng, hoặc cũng có thể được xác lập bằng lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể.
- Ví dụ: Việc đến bến xe mua vé của nhà xe để về quê. Mặc dù hành khách và nhà xe không có ký kết hợp đồng bằng văn bản, nhưng vẫn tồn tại hợp đồng vận chuyển hành khách. Trong trường hợp này, tấm vé mà hành khách nhận được chính là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách.
- Các bên trong hợp đồng vận chuyển hành khách bao gồm bên vận chuyển và hành khác. Về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ do các bên tự thỏa thuận, tuy nhiên đối với hợp đồng vận chuyển hành khách, ngoài những quyền và nghĩa vụ đã thỏa thuận hành khách lẫn bên vận chuyển đều sẽ có những quyền và nghĩa vụ mặc định.
Căn cứ Điều 524 BLDS 2015 thì bên vận chuyển có các nghĩa vụ bao gồm:
- Bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách;
- Phải thông báo thời gian xuất phát hoặc thỏa thuận rõ ràng với hành khách;
- Phải vận chuyển hành khách cùng với hành lý từ địa điểm xuất phát đến đúng điểm đến theo thỏa thuận, đúng giờ hẹn, bằng đúng phương tiện đã thỏa thuận;
- Đảm bảo an toàn cho hành khách khi di chuyển;
- Không chuyên chở vượt quá trọng tải, bảo đảm hành khách luôn có đủ chỗ ngồi (hoặc nằm).
- Trả lại hành lý cho hành khách khi đến nơi, hoặc đưa người có quyền nhận hành lý theo đúng thời gian, địa điểm đã thỏa thuận.
- Hoàn trả lại chi phí vận chuyển mà hành khách đã thanh toán trong trường hợp từ chối vận chuyển hành khách vì lý do sau:
- Do tình sức khỏe của hành khách, nên việc vận chuyển có thể gây nguy hiểm cho hành khách đó và cả những hành khách khác.
- Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Căn cứ Điều 525 BLDS 2015 thì bên vận chuyển có các quyền bao gồm:
- Quyền được yêu cầu hành khách thanh toán đủ tiền chi phí vận chuyển hành khách. Mức chi phí này sẽ do các bên thỏa thuận, thống nhất. Ngoài ra, bên vận chuyển còn có thể yêu cầu hành khách trả thêm tiền vận chuyển hành lý mà đã vượt quá mức quy định.
- Quyền từ chối chuyên chở hành khách trong những trường hợp sau đây:
- Hành khách vi phạm quy định của bên vận chuyển, hoặc làm mất trật tự công cộng, gây cản trở công việc của bên vận chuyển, có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc thực hiện những hành vi khác khiến bên vận chuyển không thể bảo đảm an toàn trong hành trình. Trong trường hợp này, bên vận chuyển không có nghĩa vụ hoàn trả lại cước phí vận chuyển và thậm chí là có quyền phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận phạt vi phạm hoặc nếu điều lệ vận chuyển có quy định;
- Do tình trạng sức khỏe của hành khách mà việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc người khác;
- Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan (dịch Covid-19,...)
- Hành khách có các nghĩa vụ được ghi nhận tại Điều 526 BLDS 2015, bao gồm:
- Thanh toán đủ chi phí vận chuyển mà bên vận chuyển yêu cầu (bao gồm chi phí vận chuyển người và chi phí vận chuyển hành lý quá mức).
- Phải tự bảo quản hành lý mang theo người.
- Có mặt tại đúng điểm xuất phát, đúng thời gian theo như thỏa thuận.
- Chấp hành đúng quy định của bên vận chuyển và những quy định khác về bảo đảm an toàn cho quá trình vận chuyển.
- Song song với nghĩa vụ thì hành khách có các quyền tại Điều 527 BLDS 2015, bao gồm:
- Yêu cầu được chuyên chở đến địa điểm theo thỏa thuận, đúng giờ và bằng phương tiện vận chuyển đã được thống nhất.
- Được miễn phí vận chuyển đối với hành lý trong hạn mức theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
- Nhận hành lý khi đến nơi hoặc tại địa điểm, thời gian khác theo thỏa thuận.
- Yêu cầu bên vận chuyển trả chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại (nếu có thiệt hại), khi bên vận chuyển không thực hiện đúng nghĩa vụ do lỗi của mình.
- Nhận lại toàn bộ hoặc một phần chi phí vận chuyển khi bên vận chuyển có trách nhiệm phải hoàn trả.
- Yêu cầu tạm dừng hành trình trong thời hạn và theo thủ tục do pháp luật quy định. Các bên có thể thỏa thuận với nhau trước những trường hợp nào thì hành khách có quyền tạm dừng. Tuy nhiên, tùy loại hình phương tiện mà hành khách sẽ có quyền yêu cầu tạm dừng hay không.
Hình 2. Lưu ý khi tham gia hợp đồng vận chuyển hành khách
- Khi tham gia hợp đồng vận chuyển hành khách, các bên cần lưu ý:
- Thứ nhất, như đã đề cập đối vé xe, vé tàu,… có thể được xem là căn cứ cho việc xác lập hợp đồng vận chuyển hành khách, điều này có nghĩa là khi hành khách mua vé đồng nghĩa với việc hành khách đã đồng ý với các điều lệ vận chuyển của công ty và nó sẽ trở thành điều khoản hợp đồng mà các bên đã thống nhất.
- Do đó, hành khách cần phải đọc và tìm hiểu kỹ điều lệ vận chuyển trước khi mua vé. Bên cạnh đó, hành khách cũng cần phải chú ý hạn mức hành lý được mang lên phương tiện hoặc hành lý ký gửi, tránh trường hợp mang vượt quá hạn mức dẫn đến phải trả thêm phí.
- Thứ hai, đối với những hợp đồng vận chuyển được xác lập bằng văn bản, các bên nên phải thỏa thuận rõ những điều sau:
- Điều khoản về địa điểm, thời gian đón, cũng như địa điểm đến. Về thời gian thì phải cụ thể ngày giờ, sáng hay chiều. Còn địa điểm đón, nếu là địa chỉ nhà thì cần rõ số nhà, đường và khu phố (nếu có), còn nếu là những địa điểm có nhiều cổng thì phải chỉ rõ ra là cổng nào.
- Điều khoản về hoàn cảnh, trường hợp cụ thể nào thì hành khách có quyền yêu cầu tạm dừng, hoặc bên vận chuyển có thể từ chối vận chuyển hành khách.
- Thỏa thuận các vấn đề hoàn trả chi phí mà hành khách đã thanh toán, cụ thể là hoàn trả trong trường hợp nào, hoàn trả một phần hay toàn bộ.
- Thỏa thuận về những trường hợp nào thì hành khách hoặc bên vận chuyển có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng
- Thứ ba, đối với những trường hợp sau đây, hành khách có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần phải thỏa thuận trước:
- Không vận chuyển hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng điểm đến theo thỏa thuận, không đúng giờ hẹn, hoặc không bằng đúng phương tiện đã thỏa thuận;
- Chuyên chở vượt quá trọng tải, hoặc không đảm bảo được chỗ ngồi/ nằm cho khách.
- Không thỏa thuận, thông báo trước thời gian xuất phát.
- Không giao hành lý theo đúng thỏa thuận.
- Tóm lại, hoạt động vận chuyển hành khách diễn ra hàng ngày, hàng giờ và ở khắp nơi. Chính vì vậy, nếu như không nắm rõ về hợp đồng vận chuyển hành khách, bạn sẽ dễ dàng bị xâm phạm quyền và lợi ích của bản thân, bất kể là dưới cương vị là hành khách, hay là bên vận chuyển.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ 15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.
➤ Tìm hiểu về đối tượng của hợp đồng dân sự.
➤ Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
➤ 15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về hợp đồng vận chuyển hành khách. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: Luật Thịnh Trí