HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN
CÓ BẢO LƯU QUYỀN SỞ HỮU
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Khi nào cần đến hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
2. Hình thức hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
3. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
4. Hiệu lực của hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
5. Hậu quả pháp lý của hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu.
Hình 1. Hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu
Trên thị trường hiện nay không quá khó để bắt gặp các biển quảng cáo mua xe máy, điện thoại, tivi, máy giặt,...theo hình thức trả góp, trả dần. Đây là một hình thức thanh toán nhằm tạo điều kiện cho những người không đủ khả năng chi trả một lần. Tương tự như các loại giao dịch dân sự khác, để đảm bảo cho nghĩa vụ thanh toán, hợp đồng mua bán trong trường hợp này thường được các bên thỏa thuận kèm theo điều khoản bảo lưu quyền sở hữu.
- Thông thường, khi xác lập hợp đồng mua bán, các bên có thể thỏa thuận phương thức thanh toán một lần hay trả chậm, trả dần. Về bản chất, trong các hợp đồng mua bán trả chậm, trả dần thì bên mua được nhận tài sản và sử dụng tài sản đó mặc dù chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán đầy đủ.
- Để cân bằng quyền lợi cho cả bên mua và bên bán, pháp luật dân sự có quy định về biện pháp bảo lưu quyền sở hữu. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo cho bên mua thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán đã cam kết, qua đó giúp bảo vệ quyền và lợi ích cho bên bán.
- Cụ thể, khi có thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ này, quyền sở hữu của bên bán sẽ được bảo lưu cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ. Chỉ khi bên mua thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên bán mới thực hiện các thủ tục để chuyển quyền sở hữu cho bên mua. Nếu bên mua không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thanh toán thì bên bán vẫn có quyền sở hữu tài sản đó.
- Bảo lưu quyền sở hữu phải được các bên thỏa thuận và và thỏa thuận này phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán. Quy định hình thức chặt chẽ như vậy xuất phát từ cơ sở việc thực hiện nghĩa vụ của các bên không phát sinh và chấm dứt ngay mà là cả một quá trình, diễn ra trong một thời gian nhất định. Việc quy định về hình thức bảo lưu quyền sở hữu giúp nâng cao trách nhiệm của bên mua đối với việc thực hiện nghĩa vụ đã cam kết.
Về các điều khoản cơ bản và một số lưu ý khi soạn thảo hợp đồng mua bán, bạn có thể tham khảo qua bài viết Những lưu ý khi soạn thảo hợp đồng mua bán. Bên cạnh đó, đối với hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu, các bên cần lưu ý một số điều sau đây:
- Phương thức thanh toán: Điểm đặc biệt trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu là bên mua không thanh toán đầy đủ một lần mà thỏa thuận thanh toán theo hình thức trả chậm hoặc trả dần. Theo đó:
- Trả chậm được hiểu là việc mà bên mua đã nhận tài sản mua bán và sau một thời hạn nhất định mới thanh toán tiền mua. Ví dụ: A mua xe máy 20 triệu, theo thỏa thuận thì 3 tháng sau khi nhận xe A thanh toán tiền xe cho cửa hàng.
- Trả dần hay được biết đến với từ ngữ thông dụng hơn trong cuộc sống hàng ngày là việc trả góp. Theo đó, nghĩa vụ thanh toán sẽ được chia thành các kỳ theo thỏa thuận của các bên. Ví dụ: A mua xe máy 20 triệu, thỏa thuận trả góp trong 20 tháng, mỗi tháng trả 1 triệu đồng.
- Nội dung của điều khoản bảo lưu quyền sở hữu: Bên bán tài sản được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền. Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên: Các bên phải tuân theo quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng.
- Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu: Bảo lưu quyền sở hữu sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây: Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong; bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu; theo thỏa thuận của các bên.
- Theo quy định, hiệu lực của hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu được xác định như sau:
- Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng thì hợp đồng này có hiệu lực vào thời điểm đã thỏa thuận.
- Trong trường hợp được công chứng, chứng thực theo quy định thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.
- Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và không thỏa thuận phải công chứng, chứng thực thì hợp đồng này có hiệu lực kể từ thời điểm hợp đồng được giao kết.
- Ngoài ra, bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký tài sản theo quy định. Như vậy, việc đăng ký bảo lưu quyền sở hữu không được xem như một quy định bắt buộc về hình thức để thỏa thuận này có hiệu lực. Nó chỉ là cơ sở để làm phát sinh giá trị đối kháng của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu với người thứ ba. Điều này có nghĩa là nếu không được đăng ký, biện pháp bảo đảm này chỉ có giá trị trong quan hệ giữa các bên tham gia giao dịch.
Hình 2. Hiệu lực của hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu
- Trong trường hợp nghĩa vụ thanh toán của bên mua hoàn thành, quyền tài sản sẽ được chuyển giao cho bên mua; ngược lại nếu nghĩa vụ của bên mua không hoàn thành, quyền tài sản vẫn sẽ thuộc bên bán.
- Cần lưu ý rằng bên mua có quyền sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu có hiệu lực, đồng thời phải chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác. Pháp luật quy định bên bán được bảo lưu quyền nghĩa là bên bán được quyền kiểm soát việc định đoạt tài sản của bên mua cho đến khi bên mua thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Bảo lưu quyền sở hữu là một trong chín biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, được sử dụng kèm theo trong các hợp đồng mua bán trả góp, trả chậm. Theo đó, bên bán tài sản bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với tài sản cho đến khi nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ thì mới chuyển giao quyền sở hữu này cho bên mua tài sản. Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán.
➤ Tham khảo thêm bài viết:
➤ 15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.
➤ Tìm hiểu về đối tượng của hợp đồng dân sự.
➤ Hợp đồng vay tài sản.
➤ Hợp đồng mượn tài sản.
- Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về hợp đồng mua bán có bảo lưu quyền sở hữu. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ
Hotline: 1800 6365
Facebook: Luật Thịnh Trí