Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản

24/01/2022


HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ TÀI SẢN

Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hình 1. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là ở những nơi công cộng, việc gửi giữ tài sản đã trở thành dịch vụ vô cùng quen thuộc với mọi người. Thỏa thuận giữa các bên khi xác lập quan hệ dân sự này thường được gọi là hợp đồng gửi giữ tài sản.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Khái niệm hợp đồng gửi giữ tài sản.

2. Đặc điểm hợp đồng gửi giữ tài sản.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản.

3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên gửi tài sản.

3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận tài sản.

1. Khái niệm hợp đồng gửi giữ tài sản

  • Hợp đồng gửi giữ tài sản là một trong những loại hợp đồng dân sự phổ biến, được mọi người xác lập hàng ngày trong nhiều tình huống khác nhau. Một số hợp đồng gửi giữ tài sản quen thuộc có thể kể đến như hoạt động như gửi xe, đồ đạc cá nhân ở trung tâm thương mại, trung tâm giải trí, chợ, trường học v.v…
  • Hiện nay, khái niệm hợp đồng gửi giữ tài sản được quy định tại Điều 554 BLDS 2015. Theo đó, hợp đồng gửi giữ tài sản được hiểu sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
  • Từ khái niệm nêu trên có thể thấy đối tượng của hợp đồng này là tài sản có thể lưu thông, có thể là động sản hoặc bất động sản. Bên cạnh đó, bên giữ tài sản cần phải có đủ các điều kiện như chuẩn bị kho bãi, tủ kệ, dụng cụ phòng cháy v.v… để đảm bảo an toàn cho quá trình gửi giữ tài sản. Đối với các loại tài sản khó bảo quản hoặc có tính chất đặc biệt thì bên giữ tài sản phải có các phương tiện đóng gói, giữ gìn để tài sản không bị hư hỏng.

2. Đặc điểm hợp đồng gửi giữ tài sản

  • Hợp đồng gửi giữ tài sản là một loại hợp đồng dân sự, do đó hợp đồng này cũng mang những đặc điểm chung như: được xác lập dựa trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, bao gồm ít nhất hai bên chủ thể và nhằm giải quyết một mục đích là xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên v.v…
  • Thế nhưng, hợp đồng gửi giữ tài sản còn có những đặc trưng riêng. Cụ thể:
  • Thứ nhất, hợp đồng gửi giữ tài sản là hợp đồng song vụ: Nghĩa là hai bên trong hợp đồng đều có quyền và nghĩa vụ tương ứng. Cụ thể, bên gửi tài sản có quyền yêu cầu bên giữ tài sản bảo quản, trả lại tài sản khi hết hạn hợp đồng hoặc theo yêu cầu. Bên giữ tài sản có quyền yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản khi hết hạn và thanh toán tiền công giữ tài sản theo như thỏa thuận.
  • Thứ hai, hợp đồng gửi giữ tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù. Yếu tố “đền bù” trong hợp đồng gửi giữ tài sản thể hiện ở chỗ, bên giữ đồ khi thực hiện việc giữ tài sản theo thỏa thuận sẽ nhận được một khoản bù ngang giá, cụ thể ở đây là tiền công.
  • Trường hợp bên gửi phải thanh toán tiền công cho bên giữ thì đây được coi là loại hợp đồng có đền bù.
  • Trường hợp bên gửi và bên giữ không thỏa thuận về tiền công cho việc giữ tài sản thì đây được coi là hợp đồng không có đền bù.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản

  • Cũng giống như các loại hợp đồng khác, BLDS 2015 quy định rất chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản.

 Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản

Hình 2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản

3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên gửi tài sản

  • Căn cứ Điều 555 BLDS 2015, bên gửi tài sản phải thực hiện các nghĩa vụ:
  • Thứ nhất, thông báo cho bên giữ nắm được tình trạng của tài sản như số lượng, chất lượng và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ ngay khi giao tài sản. Tuy nhiên, nếu bên gửi không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
  • Thứ hai, bên gửi có trách nhiệm trả đủ tiền công (còn gọi là tiền thù lao) đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.
  • Đi cùng với quyền lợi thì Điều 556 BLDS 2015 quy định bên gửi tài sản có các quyền sau đây:
  • Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
  • Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

3.2. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận tài sản

  • Căn cứ Điều 557 BLDS 2015, bên giữ tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
  • Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.
  • Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi này.
  • Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn xác định; trong trường hợp hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.
  • Phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.
  • Song song đó, bên giữ tài sản có các quyền được ghi nhận tại Điều 558 BLDS 2015:
  • Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận.
  • Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công.
  • Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.
  • Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.
  • Tóm lại, hợp đồng gửi giữ tài sản là loại hợp đồng thông dụng trong đời sống hằng ngày. Dù phổ biến nhưng thực tế có rất ít người nắm được những quy định của pháp luật về hợp đồng gửi giữ tài sản, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này. Vì vậy, mọi người cần tìm hiểu về các quy định của hợp đồng gửi giữ tài sản để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Tham khảo thêm bài viết:

Những vấn đề cần lưu ý về hợp đồng được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Những vấn đề cần biết về việc ủy quyền.
Hành vi bán chui cổ phiếu là gì?.
Một số điều cần biết về bảo lãnh.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về quy định chung về hợp đồng gửi giữ tài sản. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí