Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Hệ thống và nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án hình sự

Hệ thống và nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án hình sự

07/01/2022


HỆ THỐNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA
CÁC CƠ QUAN THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hệ thống tổ chức của cơ quan thi hành án hình sự.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự.

  Theo quy định hiện hành thì hệ thống tổ chức của cơ quan thi hành án bao gồm ba loại: cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự. Thông qua bài viết này, Luật Thịnh Trí sẽ đề cập về những quy định liên quan đến hệ thống tổ chức cơ quan thi hành án hình sự.

 Hệ thống tổ chức của cơ quan thi hành án hình sự

Hệ thống tổ chức của cơ quan thi hành án hình sự (ảnh minh họa)

1. Hệ thống tổ chức của cơ quan thi hành án hình sự

  • Theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019 thì cơ quan quản lý thi hành án hình sự gồm những cơ quan sau đây:
    • Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng;
    • Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an;
  • Ngoài ra, cơ quan thi hành án hình sự bao gồm:
    • Trại giam thuộc quân khu, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc Bộ Công an;
    • Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh là cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
    • Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện là cơ quan thi hành án hình sự Công quan thị xã, quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương;
    • Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu là cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương.
  • Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm:
    • Trại giam thuộc quân khu, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại giam thuộc Bộ Công an;
    • Đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương;
    • Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an

  • Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
    • Giúp Bộ trưởng Bộ công an tổ chức thi hành pháp luật về thi hành án hình sự; tổng kết công tác thi hành án hình sự; hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ trong việc áp dụng thống nhất quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
    • Quyết định đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng, đưa người chấp hành án phạt tù đến nơi chấp hành án.
    • Kiểm tra công tác thi hành án hình sự.
    • Thực hiện chế độ báo cáo, thống kế.
    • Trực tiếp quản lý trường giáo dưỡng, trại giam thuộc Bộ Công an.
    • Giải quyết tố cáo, khiếu nại về thi hành án hình sự.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh

  • Giúp Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ đạo, quản lý công tác thi hành án hình sự trên địa bàn cấp tỉnh:
    • Kiểm tra công tác thi hành án hình sự và chỉ đạo nghiệp vụ đối với trại giam thuộc cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Công an cấp tỉnh;
    • Tổng kết và thống kê, báo cáo về công tác thi hành án hình sự theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an.
  • Tiếp nhận quyết định, bản án của Tòa án, quyết định thi hành án; lập hồ sơ thi hành án đối với pháp nhân thương mại; lập danh sách và hoàn chỉnh hồ sơ những người chấp hành án phạt tù để đề nghị, báo cáo người, cơ quan có thẩm quyền quyết định.
  • Đề nghị tòa án có thẩm quyền quyết định, xem xét về việc rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và trưng cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức tiếp nhận và hoàn chỉnh hồ sơ thi hành án đối với người bị kết án phạt tù do nước ngoài chuyển giao về Việt Nam chấp hành theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền, báo cáo cơ quan quản lý thi hành án hình sự ra quyết định đưa đến nơi chấp hành án.
  • Quản lý số phạm nhân phục vụ việc tạm giam, tạm giữ; tham gia thi hành án từ hình, tổ chức thi hành án phạt trục xuất.
  • Ra quyết định về việc truy nã và tổ chức truy bắt người chấp hành án hình sự thực hiện việc bỏ trốn.
  • Thực hiện lệnh trích xuất theo yêu cầu của người, cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định trích xuất.
  • Tổ chức thi hành biện pháp tư pháp, hình phạt đối với pháp luật thương mại.
  • Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp theo thẩm quyền, cấp Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt.
  • Giải quyết tố cáo, khiếu nại về thi hành án hình sự.

 Nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án hình sự

Nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án hình sự (ảnh minh họa)

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự

  • Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về việc giáo dục, kiểm soát người chấp hành án phạt quản chế; giáo dục, quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, quản lý người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; giáo dục, giám sát người bị cấm cư trú, người đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo, người bị tước một số quyền công dân, người bị cấm hành nghề hoặc công việc nhất định, cấm đảm nhiệm chức vụ.
  • Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ nêu trên trong trường hợp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong thi hành án hình sự

  • Ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; ra quyết định thi hành án.
  • Hủy bỏ hoặc ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, tạm đình chỉ, hoãn chấp hành án phạt tù; quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành án phạt tù; quyết định miễn chấp hành án, giảm thời hạn chấp hành án; quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người hưởng án treo; quyết định kéo dài thời hạn trục xuất.
  • Thực hiện xem xét và giải quyết về việc cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình.
  • Gửi quyết định, bản án được thi hành và những quyết định khác, tài liệu có liên quan cho cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2019.
  • Ra quyết định tiếp nhận phạm nhận là công dân Việt Nam bị kết án phạt tù ở nước ngoài sau đó được chuyển giao về Việt Nam để thực hiện chấp hành án.
  • Ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với phạm nhân có bệnh làm mất khả năng điều khiển hành vi hoặc mất khả năng nhận thức của mình, mắc các bệnh tâm thần.
  • Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê về thi hành án hình sự theo thẩm quyền.

Xem thêm:

Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, Biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú được áp dụng trong trường hợp nào theo quy định của BLTTHS.
Các trường hợp bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm và mức án phí hình sự phúc thẩm phải nộp.
Vai trò của luật sư bào chữa trong xét xử tái thẩm vụ án hình sự.
Quy định chung về thi hành án hình sự
.

  • Trên đây là nội dung Hệ thống và nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án hình sự Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.