Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Đơn kiến nghị, phản ánh của công dân

Đơn kiến nghị, phản ánh của công dân

12/04/2022


ĐƠN KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH
CỦA CÔNG DÂN

Đơn kiến nghị, phản ánh của công dân

Hình 1. Đơn kiến nghị, phản ánh của công dân

  Ý kiến của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước phát triển. Do đó, người dân có thể thể hiện ý kiến, đề xuất của mình về những vấn đề của đất nước thông qua Đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Đơn kiến nghị, phản ánh là gì?

2. Những điều cần lưu ý khi thực hiện quyền kiến nghị, phản ánh?

2.1. Hình thức tiếp nhận và yêu cầu đối với đơn kiến nghị, phản ánh.

2.2. Quyền và trách nhiệm của người kiến nghị, phản ánh.

1. Đơn kiến nghị, phản ánh là gì?

  • Theo định nghĩa của pháp luật, kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về vấn đề mà công dân đề cập đến.  Theo đó, những vấn đề mà công dân kiến nghị, phản ánh bao gồm:
  • Vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật;
  • Vấn đề liên quan đến công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống, xã hội.
  • Từ đó, có thể hiểu được rằng đơn kiến nghị, phản ánh là văn bản mà người dân gửi đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phản ánh và trình bày những đề xuất giải pháp về những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cũng như vấn đề về công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống, xã hội.

2. Những điều cần lưu ý khi thực hiện quyền kiến nghị, phản ánh?

  • Như đã phân tích ở trên, mục đích của đơn kiến nghị, phản ánh là để tổ chức, cá nhân có thể đóng góp ý kiến cho cơ quan nhà nước để ban hành những quy định phù hợp. Do đó, tổ chức, cá nhân cần có những lưu ý về hình thức gửi đơn, yêu cầu của đơn cũng như quyền và trách nhiệm của người làm đơn để việc kiến nghị, phản ánh có thể diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

2.1. Hình thức tiếp nhận và yêu cầu đối với đơn kiến nghị, phản ánh

  • Theo văn bản pháp luật, đơn phản ánh, kiến nghị có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông qua các hình thức như:
  • Đơn gửi qua dịch vụ bưu chính;
  • Đơn do người làm đơn trực tiếp gửi đến bộ phận tiếp nhận đơn hoặc gửi qua hộp thư góp ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 
  • Đơn do đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội Đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định pháp luật;
  • Đơn do lãnh đạo (là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu) cơ quan Đảng và Nhà nước tiếp nhận và chuyển đến bộ phận xử lý đơn theo thẩm quyền xử lý. 
  • Để việc tiếp nhận, xử lý đơn được diễn ra thống nhất, đồng bộ và dễ dàng hơn, Nhà nước đã có những quy định cụ thể về hình thức mà đơn kiến nghị, phản ánh phải đáp ứng. Cụ thể như sau:
    • Ngôn ngữ mà người viết dùng khi viết đơn là Tiếng Việt. Đồng thời, tương tự như các loại đơn khác, đơn kiến nghị, phản ánh bắt buộc phải ghi rõ ràng ngày, tháng, năm viết đơn; họ tên, địa chỉ và chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn. Nếu có nhiều người cùng kiến nghị, phản ánh thì đơn phải có họ tên, chữ ký của tất cả người kiến nghị, phản ánh. 
  • Ngoài ra, từ ngày 15/11/2021 trở đi, Nhà nước còn bổ sung thêm quy định rằng Nếu người viết dùng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng.
    • Đơn kiến nghị, phản ánh phải nêu rõ nội dung kiến nghị và phản ánh. Đây là nội dung quan trọng nhất mà người viết phải lưu tâm.
  • Ngoài ra, người viết đơn còn cần phải lưu ý trong một số trường hợp cụ thể dưới đây, đơn kiến nghị, phản ánh sẽ không được xử lý:
    • Đơn không đáp ứng đủ các yêu cầu về mặt hình thức như vừa trình bày ở trên;
    • Đơn đã được gửi cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, tuy nhiên trong đó có đơn đã gửi đến đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đúng người có thẩm quyền giải quyết;
    • Đơn đã được hướng dẫn một lần về cùng nội dung;
  • Bên cạnh đó, người viết cần chú ý rằng kể từ ngày 15/11/2021, Nhà nước sẽ bỏ quy định về trường hợp đơn không được xử lý do đơn đã được hướng dẫn về cùng nội dung trước đó. Đồng thời, Nhà nước cũng bổ sung thêm quy định về điều kiện đơn không đủ điều kiện xử lý như sau: 
    • Đơn rách nát, chữ viết bị tẩy xóa, không rõ, không thể đọc được;
    • Hoặc đơn có nội dung chống đối đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đơn có nội dung chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo; hoặc đơn có lời lẽ thô tục, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 Hình thức tiếp nhận đơn kiến nghị, phản ánh của công dân

Hình 2. Hình thức tiếp nhận đơn kiến nghị, phản ánh của công dân

2.2. Quyền và trách nhiệm của người kiến nghị, phản ánh

  • Bên cạnh việc thực hiện đúng mục đích, hình thức và nội dung đơn, người viết đơn nên hiểu rõ các quy định về quyền hạn và trách nhiệm của mình. Cụ thể:
    • Cá nhân, tổ chức nào cũng được nhà nước trao quyền trình bày phản ánh, kiến nghị của mình với cơ quan tiếp dân.  Đồng thời, người kiến nghị, phản ánh còn có quyền yêu cầu nhận thông báo về tình hình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.
    • Người kiến nghị, phản ánh có quyền được hướng dẫn, giải thích về những nội dung liên quan đến vấn đề mà người đó đã kiến nghị, phản ánh;
    • Nhà nước còn có quy định trường hợp đặc biệt nếu người kiến nghị, phản ánh không sử dụng thông thạo tiếng việt thì có thể sử dụng người phiên dịch.
  • Song song với quyền, người kiến nghị, phản ánh cũng có những nghĩa vụ sau đây:
    • Người kiến nghị, phản ánh phải nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có) khi thực hiện việc trình bày kiến nghị, phản ánh.  Trường hợp nếu có nhiều người cùng kiến nghị, phản ánh về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung với người tiếp công dân;
    • Người kiến nghị, phản ánh phải có thái độ đúng mực, tôn trọng đối với người tiếp công dân.  Đồng thời, người kiến nghị, phản ánh cũng phải tuân theo nội quy tiếp công dân cũng như hướng dẫn của người tiếp công dân.
    • Tiếp theo, nghĩa vụ quan trọng nhất chính là người kiến nghị, phản ánh cần trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc kiến nghị, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại. 
  • Kiến nghị, phản ánh là cách để công dân có thể trình bày, nêu ý kiến và đề xuất những giải pháp đối với các vấn đề còn bất cập trong đường lối, chính sách nhà nước cũng như xã hội. Vì vậy, khi trình bày những vấn đề này bằng đơn kiến nghị, phản ánh, công dân cần chú ý đáp ứng đầy đủ những điều kiện cần thiết và thẩm quyền xử lý đơn để tránh làm mất thời gian, công sức của bản thân.

Tham khảo thêm bài viết:

Quy định về tạm ứng án phí, lệ phí tòa án.
Khiếu nại trong tố tụng dân sự.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

  • Trên đây là tư vấn của Luật Thịnh Trí về đơn kiến nghị, phản ánh của công dân. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho quý khách hàng. Nếu bạn còn thắc mắc về các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực dân sự và tố tụng dân sự theo quy định pháp luật mới nhất, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 6365

Facebook: Luật Thịnh Trí