CHỦ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ CÓ ĐƯỢC HƯỞNG HOA LỢI,
LỢI TỨC KHI GIAO DỊCH LIÊN QUAN ĐẾN TÀI SẢN KHÔNG?
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
1. Hoa lợi là gì?
2. Lợi tức là gì?
3. Xác định quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức.
4. Một số quy định về quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức của chủ thể trong hợp đồng dân sự khi giao dịch liên quan đến tài sản.
Hoa lợi, lợi tức được xem là một loại tài sản phát sinh, do đó việc xác định hoa lợi, lợi tức thuộc quyền sở hữu của ai hoặc ai có quyền thụ hưởng phần hoa lợi, lợi tức rất được nhiều người quan tâm. Bộ luật Dân sự quy định như thế nào về hoa lợi, lợi tức? Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung nguồn gốc hình thành hoa lợi, lợi tức và quyền sở hữu, quyền hưởng dụng đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ các giao dịch dân sự phổ biến, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.
Hoa lợi, lợi tức là gì? (ảnh minh họa)
- Theo Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015, sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại gọi là hoa lợi.
- Ví dụ: Khi gà đẻ trứng thì trứng là hoa lợi; khi cây ra quả thì quả là hoa lợi.
- Như vậy, theo quy luật sinh học tự nhiên hoặc theo định kỳ sẽ làm phát sinh một sản vật mới từ tài sản ban đầu. Sản vật mới này chính là hoa lợi.
- Theo Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản gọi là lợi tức.
- Ví dụ: Gửi tiền ngân hàng để lấy tiền lãi hàng tháng thì tiền lãi là lợi tức.
- Việc khai thác tài sản là quyền của chủ sở hữu tài sản hoặc chủ sở hữu tài sản chuyển giao tài sản cho người khác bằng các giao dịch. Khai thác tài sản là khai thác những giá trị vật chất của tài sản mang lại. Như vậy, lợi tức chính là những giá trị vật chất của chủ sở hữu tài sản khai thác được.
- Có những tài sản vừa là hoa lợi vừa là lợi tức. Ví dụ: Con bò vừa có thể đẻ con (hoa lợi) vừa có thể cho thuê đi cày (lợi tức).
Quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức (ảnh minh họa)
- Quyền sở hữu hoa lợi, lợi tức
- Theo Điều 224 Bộ luật Dân sự năm 2015 đối tượng có quyền sở hữu về hoa lợi, lợi tức là chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản. Quyền sở hữu về hoa lợi, lợi tức được xác lập theo thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.
- Quyền hưởng hoa lợi, lợi tức
Theo Điều 264 Bộ luật Dân sự năm 2015:
- Trong thời gian quyền hưởng dụng có hiệu lực thì người hưởng dụng có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.
- Hiệu lực của quyền hưởng dụng được xác lập từ thời điểm nhận chuyển giao tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.
- Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt mà chưa đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức thì khi đến kỳ hạn thu hoa lợi, lợi tức, người hưởng dụng được hưởng giá trị của hoa lợi, lợi tức thu được tương ứng với thời gian người đó được quyền hưởng dụng.
- Cầm cố tài sản phát sinh hoa lợi, lợi tức
- Theo Khoản 3 Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đối với tài sản cầm cố mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì bên nhận cầm cố không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức.
- Bên nhận cầm cố được được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức khi có sự thỏa thuận giữa các bên theo quy định tại Khoản 3 Điều 314 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Theo Điều 316 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi việc cầm cố tài sản chấm dứt hoặc theo thỏa thuận của các bên thì hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Thế chấp tài sản phát sinh hoa lợi, lợi tức
- Theo Khoản 1 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đối với hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản thế chấp thì bên thế chấp có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp.
- Trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận thì bên thế chấp không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức.
- Cầm giữ tài sản phát sinh hoa lợi, lợi tức:
- Theo Khoản 3 Điều 348 Bộ luật Dân sự năm 2015 khi tài sản cầm giữ phát sinh hoa lợi, lợi tức thì bên cầm giữ tài sản được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý.
- Hoa lợi, lợi tức trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu:
- Theo Khoản 1 Điều 333 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên mua tài sản sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực.
- Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức của người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật theo Điều 581 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
- Trường hợp không ngay tình thì hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
- Trường hợp ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
- Trường hợp không hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được khi người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan quy định khác.
- Phân chia di sản theo di chúc có hoa lợi, lợi tức
- Theo Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 2015:
- Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ việc đặt cọc tài sản
- Theo Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc đá quý, kim khí quý hoặc vật có giá trị khác trong một khoản thời hạn nhất định để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Việc đặt cọc chỉ là biện pháp đảm bảo, trong thời gian đặt cọc thì tài sản đặt cọc vẫn thuộc quyền sở hữu của bên đặt cọc. Như vậy, trong thời gian đặt cọc mà tài sản đặt cọc phát sinh hoa lợi, lợi tức thì vẫn thuộc quyền sở hữu của bên đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
➤ Xem thêm:
➤ Quy định về thời hạn, thời hiệu trong Bộ luật Dân sự 2015.
➤ Trách nhiệm về bồi thường thiệt hại vận chuyển hàng hóa theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015.
➤ Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.
➤ Tìm hiểu về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.
- Trên đây là nội dung một số quy định về Chủ thể của hợp đồng dân sự có được hưởng hoa lợi, lợi tức khi giao dịch liên quan đến tài sản không của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.