Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Chia di sản thừa kế như thế nào? Trường hợp nào được hưởng di sản thừa kế?

Chia di sản thừa kế như thế nào? Trường hợp nào được hưởng di sản thừa kế?

24/11/2021


CHIA DI SẢN THỪA KẾ NHƯ THẾ NÀO?
TRƯỜNG HỢP NÀO ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN THỪA KẾ?

Luật Thịnh Trí sẽ giải đáp thắc mắc của khách hàng xoay quanh vấn đề thừa kế? Người được thừa kế hợp pháp là ai? Có bao nhiêu hình thức hưởng di sản thừa kế?

 Hình  1. Thịnh Trí - Tư vấn pháp luật thừa kế
Hình  1. Thịnh Trí - Tư vấn pháp luật thừa kế

Theo quy định của pháp luật thì thừa kế là việc dịch chuyển tài sản của người đã mất cho người còn sống. Tài sản của người mất này được gọi là di sản. Trong bài viết dưới đây, công ty Luật Thịnh Trí hướng dẫn các quy định pháp luật áp dụng để chia thừa kế như sau:

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Hình thức thừa kế.

2. Hàng thừa kế được sắp xếp như thế nào trong pháp luật hiện nay.

3. Đối tượng nào được hưởng di sản thừa kế và không được hưởng di sản.

a) Trường hợp thừa kế theo di chúc.

b) Trường hợp thừa kế theo pháp luật.

1. Hình thức thừa kế

  • Bước đầu tiên để xác định vấn đề thừa kế di sản là phải cần xác định rõ hình thức thừa kế di sản. Theo pháp luật Việt Nam, ghi nhận hai hình thức thừa kế di sản: Thừa kế di sản theo di chúc và Thừa kế di sản theo pháp luật.
  • Trường hợp người chết có để lại di chúc thì di chúc đó phải hợp pháp.
  • Trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp hoặc trường hợp người được thừa kế bị truất quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì phần di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật.

2. Hàng thừa kế được sắp xếp như thế nào trong pháp luật hiện nay

  • Ai có quyền hưởng di sản thừa kế sẽ được xác định theo quy tắc hàng thừa kế. Trong trường hợp không còn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì người thuộc hàng thừa kế thứ 2 mới được hưởng, cứ lặp lại như thế đối với các hàng thừa kế sau. Cụ thể tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau:
  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Về quan hệ giữa vợ và chồng, thì khi một trong hai người mất thì người còn lại sẽ hưởng di sản thừa kế. Về quan hệ giữa cha đẻ, mẹ đẻ – con đẻ, con đẻ được hưởng di sản của cha đẻ, mẹ đẻ và ngược lại. Trường hợp con riêng - bố dượng hay mẹ kế phải đáp ứng các điều kiện như chăm sóc, nuôi dưỡng người đã chết như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản như trong quan hệ thừa kế cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ.
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Quan hệ thừa kế giữa anh ruột, chị ruột, em ruột thì anh, chị, em ruột có thể là cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha. Người làm con nuôi của cha mẹ người chết vẫn được hưởng thừa kế hàng thứ hai khi anh, chị, em ruột của mình.
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
  • Những người hưởng di sản cùng hàng với nhau sẽ hưởng phần thừa kế bằng nhau. Nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước vì lý do đã chết, bị truất quyền hưởng di sản, không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế sau mới được hưởng di sản.

3. Đối tượng nào được hưởng di sản thừa kế và không được hưởng di sản.

a) Trường hợp thừa kế theo di chúc

Hình  2. Luật Thịnh Trí - Tư vấn phân chia di sản thừa kế
Hình  2. Luật Thịnh Trí - Tư vấn phân chia di sản thừa kế

  • Thừa kế theo di chúc theo hiện ý chí và nguyện vọng cuối cùng của người lập di chúc về vấn đề định đoạt di sản của mình trước khi chết.
  • Người được hưởng di chúc có thể là cá nhân, tổ chức. Chủ thể trong di chúc có thể là người trong diện thừa kế thứ nhất hoặc thuộc các hàng thừa kế khác, có thể nằm trong diện được thừa kế hoặc không nằm trong diện thừa kế. Vì đây là tài sản cá nhân của người mất nên quyền định đoạt di sản là tùy thuộc vào ý chí của người đó pháp luật không can thiệp vào trường hợp này.
  • Di chúc thừa kế được áp dụng sau khi người lập di chúc chết với điều kiện di chúc đó phải thỏa mãn với quy định của pháp luật. Tức là, di chúc đó phải hợp pháp mới có giá trị áp dụng.
    • Điều kiện chung của di chúc:
      • Bản chất của di chúc là giao dịch dân sự đơn phương nên phải thỏa mãn các điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự quy định như: Người lập di chúc phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự, người lập di chúc phải trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Đặc biệt, nội dung và mục đích của di chúc không được trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục và không đi ngược với pháp luật.
    • Điều kiện riêng của di chúc:
      • Di chúc hợp pháp phải đảm bảo các điều kiện như năng lực và ý chí chủ thể lập di chúc, nội dung và hình thức di chúc phải tuân thủ theo các điều kiện của pháp luật.
      • Người lập di chúc phải trong tình trạng minh mẫn và sáng suốt, không bị lừa dối, đe doạ hay cưỡng ép. Nội dung và hình thức di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không được trái đạo đức xã hội. Đồng thời di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản, phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. Ngoài ra, di chúc của người không biết chữ, hạn chế về mặt thể chất thì di chúc phải công chứng hoặc chứng thực. Di chúc phải đảm bảo đúng ý chí của nhà nước và pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người khác.

Nguyên tắc phân chia di sản thừa kế theo hình thức có di chúc:

  • Việc phân chia di sản thừa theo di chúc phải được tiến hành theo nguyên tắc tôn trọng ý chí của người đã mất, tôn trọng quyền định đoạt và quyền quyết định di sản của người lập di chúc.
  • Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người mất có để lại di chúc, nếu trong trường hợp trong di chúc không ghi rõ từng phần thừa kế của từng người được hưởng thừa kế, thì di sản sẽ được chia từng phần đều nhau cho mỗi người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp những người hưởng di sản có thỏa thuận khác.
  • Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật (ví dụ: nông sản…) thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó. Đồng thời phải chịu phần giá trị bị giảm sút của hiện vật, được tính đến thời điểm phân chia di sản. Nếu tài sản thừa kế đó bị tiêu hủy bởi người khác thì người thừa kế tài sản đó có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

b) Trường hợp thừa kế theo pháp luật

Hình 3. Luật Thịnh Trí - Tư vấn phân chia di sản thừa kế
Hình  3. Phân chia di sản thừa kế

  • Căn cứ pháp luật hiện nay, thì thừa kế theo pháp luật sẽ được tiến hành chia theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế được pháp luật quy định cụ thể.
  • Người thừa kế theo pháp luật chỉ là cá nhân, người thừa kế di sản của người chết không để lại di chúc được quy định theo pháp luật. Việc xác định người thừa kế dựa trên ba mối quan hệ: đầu tiên là hôn nhân, thứ 2 là huyết thống, thứ 3 là nuôi dưỡng.
  • Những người hưởng thừa kế cùng hàng với nhau sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước vì lý do đã chết, bị truất quyền hưởng di sản không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì những người ở hàng thừa kế sau mới được hưởng di sản.
  • Những trường hợp được áp dụng chia di sản theo pháp luật bao gồm:
    • Người mất không để lại di chúc.
    • Di chúc để lại không thỏa mãn các điều kiện của pháp luật (không hợp pháp).
    • Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản, người lập di chúc hoặc trường hợp cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc vào thời điểm mở thừa kế không còn tồn tại.
    • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Nguyên tắc chia di sản theo pháp luật

  • Việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được tiến hành theo quy định của pháp luật, những người cùng hàng thừa kế được phân chia đều nhau, tuân theo thứ tự hàng thừa kế.
  • Với đội ngũ Luật sư Công ty Luật TNHH Thịnh Trí có kiến thức pháp luật chuyên sâu, trình độ chuyên môn cao, kỹ năng hành nghề đầy kinh nghiệm, am hiểu kiến thức pháp luật và thực tế, cách vận dụng linh hoạt các chính sách pháp luật. Thịnh Trí tham gia tư vấn và giải quyết tranh chấp trên mọi lĩnh vực bao gồm: dân sự, đất đai, doanh nghiệp, hình sự, lao động, hôn nhân và gia đình,…

Tham khảo thêm:
Nguyên tắc bồi thường tổn thất tinh thần .
Những trường hợp không phải bồi thường thiệt hại.
Hành vi bán chui cổ phiếu là gì?.
Một số điều cần biết về bảo lãnh.

  • Nếu khách hàng có thắc mắc về vấn đề liên quan đến thừa kế. Xin vui lòng liên hệ Hotline: 1800 63 65.