Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Cháu Q đủ 16 tuổi đang ở với bà nội (là tôi), (ông nội, bà ngoại, ông ngoại đã chết từ lâu), bố mẹ cháu mất do covid -19, bố mẹ cháu có mảnh đất tại đường C, quận HM thành phố H, cháu Q cần thực hiện những thủ tục gì để nhận thừa kế mảnh đất là tài sản chung của cha mẹ cháu để lại?

Cháu Q đủ 16 tuổi đang ở với bà nội (là tôi), (ông nội, bà ngoại, ông ngoại đã chết từ lâu), bố mẹ cháu mất do covid -19, bố mẹ cháu có mảnh đất tại đường C, quận HM thành phố H, cháu Q cần thực hiện những thủ tục gì để nhận thừa kế mảnh đất là tài sản chung của cha mẹ cháu để lại?

28/09/2021


1/ VỀ ĐẠI DIỆN

  •   Người thành niên là người đủ 18 tuổi trở lên được tự mình thực hiện các giao dịch. Cháu Q đủ 16 tuổi, theo quy định của pháp luật dân sự thì “người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý” (khoản 4 Điều 21 BLDS 2015).
  • - Bà nội cháu được làm người giám hộ nếu thỏa mãn điều kiện tại Điều 49 và 50 của BLDS 2015, thì được giám hộ cho cháu Q. Theo khoản 2 Điều 47 BLDS 2015:  “Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu” nên bà nội là giám hộ đương nhiên của cháu theo quy định của pháp luật, người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.
  • -Điều 136 BLDS 2015 quy định người đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau: “Cha, mẹ đối với con chưa thành niên…Người giám hộ đối với người được giám hộ…”
  •  Sau khi cha mẹ cháu Q mất, bà nội là người thân duy nhất của cháu, là giám hộ đương nhiên của cháu cũng đồng thời là người đại diện theo pháp luật của cháu Q, bà nội sẽ thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi (Điều 56 BLDS 2015), cũng đồng thời là người đại diện cho cháu Q trong các giao dịch về BĐS, động sản phải đăng ký.

2/ VỀ THỦ TỤC CÔNG CHỨNG

  • - Sau khi được bà nội cháu đồng ý cháu Q có thể cùng bà nội ra phòng/ văn phòng công chứng thực hiện khai nhận một phần di sản thừa kế mà cha mẹ cháu để lại theo Điều 58 Luật công chứng 2014 hướng dẫn tại Điều 18 nghị định 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2014:
  • Hồ sơ, thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản gồm:
  • a/ Hồ sơ cần chuẩn bị gồm các giấy tờ sau:
    • - Phiếu yêu cầu công chứng (khi tới phòng hoặc văn phòng công chứng thì điền theo mẫu).
    • - Bản sao giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người yêu cầu công chứng: Giấy khai sinh,…
    • - Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết; giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có)…
    • - Các giấy tờ nhân thân: Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… của người khai nhận di sản thừa kế.
    • - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
    • - Dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có).
  • b/ Các bước thực hiện công chứng
    • Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu công chứng
    •   Sau khi nhận hồ sơ, công chứng viên sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra:
    • - Nếu hồ sơ đầy đủ: Công chứng viên tiếp nhận, thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
    • - Nếu hồ sơ chưa đầy đủ: Công chứng viên hướng dẫn và yêu cầu bổ sung.
    • - Nếu hồ sơ không có cơ sở để giải quyết: Công chứng viên giải thích lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.
    • Bước 2: Niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản
    • - Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng và nơi có nhà đất (nếu không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó).
    • - Nội dung niêm yết phải nêu rõ các nội dung sau: Họ, tên người để lại di sản; Họ, tên của những người khai nhận di sản; Quan hệ của những người khai nhận di sản với người để lại di sản; Danh mục di sản thừa kế.
    • - Đặc biệt, trong thông báo niêm yết phải ghi rõ: Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản, bỏ sót người thừa kế, di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó phải gửi cho tổ chức hành nghề công chứng thực hiện niêm yết
    •   Sau 15 ngày niêm yết, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết.
    • Bước 3: Hướng dẫn ký văn bản khai nhận di sản:
    • Sau khi nhận được niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì tổ chức hành nghề công chứng thực hiện giải quyết hồ sơ:
    • - Nếu đã có dự thảo văn bản khai nhận: Công chứng viên kiểm tra các nội dung trong văn bản đảm bảo không có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội…
    • - Nếu chưa có dự thảo: Công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người khai nhận di sản. Sau khi soạn thảo xong, người thừa kế đọc lại nội dung, đồng ý và sẽ được công chứng viên hướng dẫn ký vào Văn bản khai nhận di sản thừa kế.
    • Bước 4: Ký chứng nhận và trả kết quả
    • Công chứng viên yêu cầu người thừa kế xuất trình bản chính các giấy tờ đã nêu ở trên để đối chiếu trước khi ký xác nhận vào lời chứng và từng trang của văn bản khai nhận này.
    • Sau khi ký xong sẽ tiến hành thu phí, thù lao công chứng, các chi phí khác và trả lại bản chính văn bản khai nhận cho người thừa kế.
    • Hoàn tất thủ tục tại phòng/ văn phòng công chứng, cháu Q và bà nội thực hiện thủ tục đăng bộ sang tên mình trên giấy chứng nhận QDS đất.