Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Căn cứ xác định thiệt hại về vật chất theo quy định pháp luật mới nhất

Căn cứ xác định thiệt hại về vật chất theo quy định pháp luật mới nhất

22/03/2022


CĂN CỨ XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI VỀ VẬT CHẤT
THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT MỚI NHẤT

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Thiệt hại về vật chất là gì?

2. Cách xác định thiệt hại về vật chất. 

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất.

  Thực tế, nếu một người cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu trách nhiệm đối với hành vi mình gây ra. Trong đó, thiệt hại về vật chất là trường hợp không tránh khỏi khi tham gia các quan hệ xã hội. Như vậy, khi có thiệt hại về vật chất thì căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất dựa vào đâu, yếu tố nào đang là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Sau đây xin gửi đến quý bạn đọc một số nội dung về thiệt hại vật chất, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.

 Thiệt hại về vật chất

Thiệt hại về vật chất (ảnh minh họa)

1. Thiệt hại về vật chất là gì?

  • Theo quy định tại khoản 2 Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế được xác định là:
  • Tổn thất về tài sản;
  • Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại;
  • Thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.

 Cách xác định thiệt hại về vật chất

Cách xác định thiệt hại về vật chất (ảnh minh họa)

2. Cách xác định thiệt hại về vật chất

  • Cách xác định thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút:
  • Theo Điều 24 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định:

1. Đối với người bị thiệt hại là cá nhân được xác định như sau:

+ Trường hợp cá nhân có thu nhập không ổn định theo mùa vụ thì cách xác định thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút tính theo thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương trong khoảng thời gian thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Nếu không xác định được thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương thì cách xác định thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút tính theo hướng là cứ 01 ngày bị thiệt hại thì tương đương với 01 ngày lương tối thiểu vùng tại nơi người bị thiệt hại cư trú.

Công thức tính: 01 ngày lương tối thiểu vùng = 01 tháng lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định/26 ngày.

+ Trường hợp cá nhân có thu nhập không ổn định từ tiền lương, tiền công thì cách xác định thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút tính theo mức tiền lương, tiền công trung bình của 03 tháng có thu nhập gần nhất trước thời điểm thiệt hại xảy ra trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút.

+ Trường hợp cá nhân có thu nhập ổn định từ tiền lương, tiền công thì cách xác định thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút tính theo mức tiền lương, tiền công của người bị thiệt hại trong khoảng thời gian tiền lương, tiền công bị mất hoặc bị giảm sút được tính từ ngày tiền lương, tiền công bị giảm sút đến ngày được nhận đủ tiền lương, tiền công hoặc được tính từ ngày không được nhận tiền lương, tiền công.

2. Đối với người bị thiệt hại là tổ chức được xác định bao gồm các khoản thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của tổ chức thì cách xác định thiệt hại dựa vào thu nhập trung bình của 02 năm có thu nhập gần nhất trước thời điểm xảy ra thiệt hại.

Trên cơ sở báo cáo tài chính của tổ chức để xác định thu nhập trung bình theo quy định pháp luật. Trường hợp tổ chức được thành lập chưa đủ 02 năm tính đến thời điểm xảy ra thiệt hại thì thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút được xác định căn cứ theo thu nhập trung bình trong thời gian hoạt động thực tế theo báo cáo tài chính của tổ chức đó theo quy định của pháp luật.

- Cách xác định tổn thất về tài sản:

Theo Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định:

+ Tài sản đã bị phát mại, bị mất: cách xác định thiệt hại theo giá thị trường của tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường hoặc tài sản cùng loại trên thị trường.

+ Tài sản bị hư hỏng: cách xác định thiệt hại là các khoản chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tài sản theo giá thị trường; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo giá thị trường của tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường hoặc tài sản cùng loại trên thị trường.

+ Tài sản trên thị trường cho thuê: cách xác định thiệt hại là thu nhập thực tế bị mất phải phù hợp với mức giá thuê trung bình 01 tháng của tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng hoặc tài sản cùng loại trên thị trường.

+ Tài sản trên thị trường không cho thuê: cách xác định thiệt hại là thu nhập thực tế bị mất trên cơ sở thu nhập trung bình của 03 tháng gần nhất do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trong khoảng thời gian trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

+ Thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì thiệt hại được bồi thường là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

+ Nếu người bị thiệt hại không thể thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế đã có hiệu lực và đã phải thanh toán tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế đó thì thiệt hại được xác định là số tiền phạt theo mức phạt đã thỏa thuận và khoản lãi của khoản tiền phạt đó.

Trường hợp khoản tiền phạt đó không phải là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp khoản tiền phạt đó là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính là khoản lãi vay hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự.

+ Trường hợp các khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phải hoàn trả các khoản tiền đó và khoản lãi cho người bị thiệt hại.

Trường hợp các khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Trường hợp các khoản tiền đó là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính là khoản lãi vay hợp pháp theo quy định của Bộ luật Dân sự.

3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất

  1. Thực hiện trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra bao gồm tổn thất về tài sản; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại.
  • Các xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên các yếu tố sau đây:
    • Có hành vi trái pháp luật;
    • Có thiệt hại xảy ra trong thực tế;
    • Lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự;
    • Có mối quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra.
  1. Mức bồi thường thiệt hại: theo thỏa thuận giữa các bên; hình thức bồi thường bằng tiền, hiện vật, thực hiện một công việc; phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần.

Xem thêm:

Tìm hiểu về bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Hợp đồng vô hiệu là gì? Hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu.

15 loại hợp đồng thông dụng theo Bộ luật Dân sự.

  • Trên đây là nội dung một số quy định về Căn cứ xác định thiệt hại về vật chất theo quy định pháp luật mới nhất của Công ty Luật TNHH Thịnh Trí gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Hotline 1800 6365 để được tư vấn.