Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / Ai là người được quyền yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm giao thông?

Ai là người được quyền yêu cầu dừng xe để xử lý vi phạm giao thông?

11/03/2022


Việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông là một việc làm thường xuyên, dễ thấy của Cảnh sát giao thông nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Vậy, những ai được quyền dừng xe người đi đường để kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông khác ngoài Cảnh sát giao thông?

Theo khoản 1 và khoản 3 Điều 87 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, ngoài CSGT, các lực lượng sau đây cũng có quyền dừng xe của người đi đường:

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Thanh tra giao thông vận tải

Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT, thanh tra viên, công chức thanh tra được phép dừng phương tiện đường bộ trong các trường hợp sau đây:

- Buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính.

- Khi phát hiện phương tiện có các dấu hiệu vi phạm:

+ Vượt quá tải trọng cho phép.

+ Vượt khổ giới hạn cho phép.

+ Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ.

+ Đổ đất, vật liệu xây dựng, phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.

Lúc này, cùng với việc yêu cầu dừng xe, lực lượng thanh tra giao thông còn có quyền lập biên bản xử phạt người vi phạm.

2 - Lực lượng cảnh sát khác và công an xã.

Điều 4 Thông tư 47/2011/TT-BCA đã chỉ rõ các lực lượng được huy động để tuần tra, kiểm soát giao thông với CSGT gồm: Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát bảo vệ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, Công an phụ trách xã, Công an phường và Công an xã.

Theo Điều 4 Nghị định 27/2010/NĐ-CP, những lực lượng này sẽ được huy động để tuần tra, kiểm soát giao thông trong các trường hợp sau:

- Trong thời gian diễn ra lễ kỷ niệm; sự kiện chính trị - xã hội; hoạt động văn hóa, thể thao lớn.

- Các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát giao thông.

- Khi tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn và ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp.

- Trường hợp khác mà trật tự, an toàn giao thông gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

3 - Lực lượng khác như quản lý thị trường, thanh tra bảo vệ môi trường, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các lực lượng này cũng có thẩm quyền xử phạt đối với các vi phạm giao thông có liên quan đến lĩnh vực mà mình phụ trách.

Bên cạnh đó, khi bị dừng xe xử phạt không đúng quy định thì người bị xử phạt có thể làm gì?

1 - Khiếu nại qua đường dây nóng.

Hiện nay, người dân có thể gọi điện đến đường dây nóng Bộ Công an: 06923.42593 để phản ánh tiêu cực, tham nhũng trong lực lượng CSGT. Lưu ý, đây là số điện thoại cố định nên phải gọi điện trực tiếp chứ không thể nhận tin nhắn.

2 - Khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn.

Theo Luật khiếu nại năm 2011, nếu có căn cứ cho rằng lực lượng chức năng xử phạt không đúng thẩm quyền, không đúng quy định, người dân có quyền khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng đơn.

Trước hết, người dân cần khiếu nại lần đầu đến chính người đã ra quyết định xử phạt vi phạm đối với mình.

Trường hợp không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người dân có thể khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người đã xử phạt mình.