Quay về website thinhtrigroup.com

Trang chủ / 5 Thỏa thuận trái pháp luật cần tránh trước khi ký hợp đồng lao động

5 Thỏa thuận trái pháp luật cần tránh trước khi ký hợp đồng lao động

19/11/2022


5 THỎA THUẬN TRÁI PHÁP LUẬT CẦN TRÁNH
TRƯỚC KHI KÝ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Hình 1. Luật Thịnh Trí - 5 Thỏa thuận trái pháp luật cần tránh trước khi ký hợp đồng lao động

Hình 1. Luật Thịnh Trí - 5 Thỏa thuận trái pháp luật cần tránh trước khi ký hợp đồng lao động.

  • Pháp luật tôn trọng việc tự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, tuy nhiên việc thỏa thuận phải nằm trong khuôn khổ pháp luật. Trong bài viết này, Luật Thịnh Trí sẽ liệt kê 05 thỏa thuận trái pháp luật mà người lao động nên biết trước khi giao kết hợp đồng lao đồng.

TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH

1. Thỏa thuận không tham gia bảo hiểm bắt buộc.

2. Thỏa thuận yêu cầu người lao động không làm thêm cho công ty khác.

3. Thỏa thuận việc cam kết không kết hôn, sinh con trong thời hạn nhất định.

4. Cam kết phải làm việc lâu dài tại Công ty.

5. Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ.

1. Thỏa thuận không tham gia bảo hiểm bắt buộc

  • Căn cứ Điều 168 Bộ luật lao động năm 2019 quy định cả người sử dụng lao động và người lao động đều có trách nhiệm phải tham gia vào bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
  • Theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng bắt buộc tham gia Bảo hiểm xã hội.
  • Trong trường hợp người lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia Bảo hiểm xã hội nhưng các bên thỏa thuận không tham gia bảo hiểm thì cả người sử dụng lao động và người lao đồng đều sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP, như sau:
  • Xử phạt người lao động
  • Hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ bị phạt từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng.
  • Căn cứ tại Khoản 1 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
  • Xử phạt người sử dụng lao động
  • Người sử dụng lao động sẽ bị phạt nếu có hành vi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia, mức phạt từ 12% - 15% tổng số tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, tối đa không vượt quá 75 triệu đồng.
  • Căn cứ tại Điểm c khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP

Tham khảo thêm: Những điều cần biết trước khi giao kết hợp đồng lao động năm 2022.

2. Thỏa thuận yêu cầu người lao động không làm thêm cho công ty khác

  • Một số người sử dụng lao động lo ngại về vấn đề chảy máu chất xám, do đó có một số công ty đã yêu cầu nhân viên không được làm thêm cho công ty khác.
  • Tuy nhiên tại khoản 1 Điều 19 Bộ luật lao động năm 2019, quy định:
  • Người lao động có thể tiến hành việc giao kết nhiều hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, tuy nhiên phải bảo đảm việc thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết trong hợp đồng lao động.
  • Vì vậy, theo pháp luật thì người lao động có quyền tự do ký kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, chỉ cần người lao động bảo đảm thực hiện đầy đủ các công việc đã được giao kết trong hợp đồng lao động.
  • Do đó, hành vi yêu cầu người lao động không được làm thêm tại các công ty khác là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do lựa chọn việc làm, quyền tự do lựa chọn nơi làm việc của người lao động nên thỏa thuận này sẽ không được pháp luật công nhận.

Tham khảo thêm: Khi nào hợp đồng lao động bị vô hiệu?

3. Thỏa thuận việc cam kết không kết hôn, sinh con trong thời hạn nhất định

 Hình 2. Luật Thịnh Trí - Thỏa thuận việc cam kết không kết hôn, sinh con trong thời hạn nhất định

Hình 2. Luật Thịnh Trí - Thỏa thuận việc cam kết không kết hôn, sinh con trong thời hạn nhất định.

  • Nhằm hạn chế sự gián đoạn trong công việc của doanh nghiệp, một số người sử dụng lao động đã thỏa thuận với người lao động nữ cam kết không mang thai, sinh trong những năm đầu làm việc tại doanh nghiệp.
  • Thỏa thuận này vi phạm quyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình được nêu tại Pháp lệnh số 08/2008/PL-UBTVQH12, sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh dân số 06/2003/PL-UBTVQH11, cụ thể:

“Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản:

1. Quyết định thời gian và khoảng cách sinh con.”

  • Chính vì vậy, người lao động có đồng ý với thỏa thuận này thì nó cũng không có giá trị pháp lý.
  • Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật lao động năm 2019 quy định, người sử dụng lao động không được tiến hành việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động vì lý do người lao động kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản.
  • Trong trường hợp, người sử dụng lao động cố tình thực hiện hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng – 20 triệu đồng (căn cứ điểm i khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Tham khảo thêm: Quy định về cho thuê lại lao động theo BLLĐ 2019.

4. Cam kết phải làm việc lâu dài tại Công ty

  • Để phòng tránh trường hợp nhân viên nghỉ việc sau khi đã tích lũy nhiều kinh nghiệm làm việc tại công ty, do đó nhiều công ty hiện nay đã đề nghị người lao động cam kết làm việc lâu dài tại công ty với khoảng thời gian từ 03 năm đến 05 năm và không được nghỉ việc trước khi hết thời hạn nêu trên.
  • Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động năm 2019 quy định, người lao động có quyền tự do lựa chọn việc làm, tự do lựa chọn nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp.
  • Trong trường hợp người lao động đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn với người sử dụng lao động, thì người lao động vẫn có quyền chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Theo Điều 35 Bộ luật lao động năm 2019 quy định, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn mà không cần lý do, chỉ cần người lao động đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước.
  • Như vậy, bản cam kết làm việc lâu dài tại công ty này mặc dù người lao động ký kết, nhưng sẽ không được pháp luật công nhận.

5. Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ

  • Theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật lao động năm 2019 quy định, người lao động có quyền được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và được quyền làm bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Cùng với đó, tại khoản 6 Điều 9 Luật việc làm năm 2013 nghiêm cấm hành vi cản trở hoặc gây khó khăn hoặc hành vi làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động.
  • Chính vì lẽ đó, người sử dụng lao động không được phép ra quy định bắt người lao động cam kết không làm việc cho công ty đối thủ. Ngoài ra, dù người lao động có ký kết văn bản thỏa thuận này thì nó cũng không có giá trị pháp lý.
  • Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh hay bí mật công nghệ của doanh nghiệp, thì trong trường hợp người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản liên quan đến thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và vấn đề bồi thường khi người lao động vi phạm. Đây được xem là một thỏa thuận hợp pháp.

Tham khảo thêm: Năm 2022, Doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động với người lao động thì bị xử phạt như thế nào?

  • Hi vọng bài viết này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho quý khách hàng. Trong trường hợp có vướng mắc liên quan đến hợp đồng lao động, ký kết hợp đồng lao động hay vấn đề quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động,… vui lòng liên hệ chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH THỊNH TRÍ

Hotline: 1800 63 65